RỐI LOẠN ĐI TIỂU – Nguyên Nhân sinh bệnh (Phần 3)

NGUYÊN NHÂN SINH BỆNH

   Các triệu chứng đường tiết niệu dưới do nhiều nguyên nhân gây ra, có sự biến đổi rộng rãi của các tình trạng bệnh ở bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo và cả đoạn cuối của niệu quản (Hình 1 – Bảng 1).

   Nhìn chung, có 4 nhóm nguyên nhân rối loạn như sau: (1) Bế tắc dòng ra, (2) Cơ bàng quang co bóp bất ổn định, (3) Suy yếu cơ bàng quang và (4) Tình trạng tăng cảm giác quá mức niêm mạc bàng quang.

   Nhóm các triệu chứng trong giai đoạn chứa đựng – đổ đầy nhưng không tìm thấy nguyên nhân thực thể rõ ràng, được xem là hội chứng bàng quang tăng hoạt (Đón đọc bài “Bàng quang tăng hoạt”).

Hình 3: Các nguyên nhân gây triệu chứng đường tiết niệu dưới thường gặp (Nguồn: Hướng dẫn điều trị của Hội Tiết niệu châu Âu, 2020)

Bảng 1. Một số nguyên nhân thường gặp của triệu chứng đường tiết niệu dưới ở người lớn

____________________________________________

  1. Bế tắc dòng ra:
    • Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.
    • Bế tắc cổ bàng quang.
    • Hẹp niệu đạo.
    • Chít hẹp miệng niệu đạo.
    • Sa bàng quang.
    • Sỏi bàng quang, niệu đạo.
  1. Rối loạn chức năng cơ chóp bàng quang: (tổn thương thần kinh – cơ)
    • Rối loạn chức năng thần kinh
    • Tính dễ kích thích cơ chóp bàng quang
    • Tính co thắt cơ chóp bàng quang niệu bị suy giảm.
    • Rối loạn chức năng đi tiểu do tâm lý.
  1. Nhiễm khuẩn:
    • Viêm bàng quang
    • Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn
    • Áp xe tuyến tiền liệt.
    • Túi thừa niệu đạo.
  1. Ung bướu:
    • Ung thư tuyến tiền liệt.
    • Ung thư bàng quang, bao gồm ung thư biểu mô tại chỗ.
  1. Bệnh bẩm sinh:
    • Van niệu đạo sau.
    • Niệu quản lạc chỗ.
    • Thoát vị tủy-màng tủy.
    • Dị tật cột sống chẽ đôi.
  1. Các bệnh vùng niệu quản – bàng quang:
    • Rò bàng quang – âm đạo, niệu quản – âm đạo.
    • Sỏi niệu quản nội thành.

____________________________________________

Về mặt giải phẫu – chức năng, nguyên nhân của các triệu chứng đường tiết niệu dưới được phân loại như sau:

  1. Niệu đạo trước

1.1. Hẹp da qui đầu: có thể bẩm sinh ở trẻ nhỏ hoặc do viêm da qui đầu kéo dài ở người lớn.

1.2. Hẹp miệng niệu đạo: thường gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, có thể do dị tật bẩm sinh hoặc mắc phải từ viêm da do amoniac. Ở đàn ông, tình trạng này có thể thứ phát do viêm da qui đầu hay viêm qui đầu.

1.3. Hẹp niệu đạo: ít gặp ở phụ nữ, có thể liên quan đến chấn thương sản khoa hoặc sinh dục. Ở nam giới, hầu như do chấn thương xảy ra trong quá trình sử dụng dụng cụ, đặt ống thông, hay phẫu thuật nội soi, xảy ra thường nhất ở niệu đạo hành. Viêm chít hẹp do lậu cầu hoặc vi khuẩn không đặc hiệu khác thường xảy ra ở niệu đạo dương vật.

  1. Niệu đạo sau

2.1. Van niệu đạo sau: là nguyên nhân bế tắc thường gặp nhất ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Những van này là những nếp niêm mạc bẩm sinh trong vùng niệu đạo màng làm bế tắc dòng ra nước tiểu.

2.2. Co thắt cơ vòng niệu đạo: thường xảy ra ở người lớn, có thể dẫn đến bế tắc dòng ra khi cơ vòng vân niệu đạo mất khả năng giãn ra lúc đi tiểu, do bệnh thần kinh (tổn thương tủy sống, đa xơ hóa tủy) hoặc do rối loạn chức năng đi tiểu do nguyên nhân tâm lý. Rối loạn chức năng thần kinh làm co thắt cơ vòng được gọi là bất đồng vận cơ thắt – bàng quang.

2.3. Hẹp niệu đạo sau: hầu hết do chấn thương gây vỡ khung chậu làm đứt rách niệu đạo màng.

2.4. Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt: là nguyên nhân thường gặp nhất gây bế tắc đường tiết niệu dưới ở đàn ông, được bàn luận ở bài riêng.

2.5. Ung thư biểu mô tuyến tiền liệt: mặc dù dạng tăng sinh ác tính thường gặp, nhưng hiếm khi gây ra bế tắc, cho đến khi bệnh tiến triển xa.

2.6. Viêm tuyến tiền liệt cấp hay áp xe tuyến tiền liệt: hiếm khi gây ra bế tắc hoặc bí tiểu. Một số trường hợp có thể gây ra các tình trạng tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu khó.

  1. Bàng quang

3.1. Bế tắc cổ bàng quang: có thể xảy ra khi cổ bàng quang không mở được do bệnh thần kinh (rất hiếm) do rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân (không hiếm) hoặc do co thắt (thường gặp). Co thắt cổ bàng quang thường do chấn thương hay phẫu thuật. Bế tắc cổ bàng quang chức năng được đặc trưng bởi cổ bàng quang không mở hoàn toàn được trong suốt quá trình đi tiểu mà không có nguyên nhân thực thể rõ ràng. Kiểu bế tắc này thường bị nhầm lẫn với tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, nhưng thường xảy ra điển hình ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi hơn (từ 30 đến 45 tuổi).

3.2. Sa bàng quang: xảy ra ở bệnh nhân nữ, có thể gây ra bế tắc do tạo sự gập góc đột ngột ở cổ bàng quang.

  1. Rối loạn chức năng thần kinh – cơ bàng quang

   Tình trạng này có thể biểu hiện dưới dạng bí tiểu, các triệu chứng lúc đi tiểu hoặc các triệu chứng giai đoạn đổ đầy. Tham khảo bài “bàng quang hỗn loạn thần kinh”.

4.1. Tăng hoạt tính cơ chóp bàng quang quá mức: có thể được kết hợp với bệnh thần kinh (tăng phản xạ cơ chóp bàng quang) hoặc với những nguyên nhân không phải thần kinh (tính bất ổn định cơ chóp bàng quang). Tình trạng này được đặc trưng bởi những cơn tiểu gấp mức độ nặng xảy ra đột ngột. Trong một số trường hợp, tình trạng nước tiểu thoát ra ngoài ngay tức thì sau cơn tiểu gấp, gọi là tiểu không kiểm soát do tiểu gấp.

4.2. Giảm co bóp cơ chóp bàng quang: thường không rõ nguyên nhân và thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi cả hai giới, có thể là hậu quả của tình trạng giãn nở quá mức và kéo dài thành bàng quang. Những bệnh nhân có tình trạng này có thể có một lượng nước tiểu tồn lưu đáng kể, điều này không nhất thiết phải có sự bế tắc dòng ra.

4.3. Bệnh thần kinh ngoại biên: có thể liên quan đến các sợi thần kinh tự chủ cung cấp cho cơ chóp bàng quang. Nguyên nhân thường gặp nhất gồm: đái tháo đường, nghiện rượu, hội chứng urê huyết cao và chấn thương do phẫu thuật.

4.4. Nguyên nhân do thuốc: gồm các thuốc có đặc tính kháng cholinergic gây ra tình trạng bí tiểu hoặc tình trạng rối loạn đi tiểu. Các thuốc này có thể gồm: phenothiazines và các dẫn chất an thần. Các chất a-adrenergic như pseudoephedrine, ephedrine và phenylpropanolamine có thể gây bí tiểu cấp.

4.5. Rối loạn chứ năng đi tiểu do tâm lý: được đặc trưng bởi tính dễ kích thích cơ chóp bàng quang kéo dài hoặc sự co thắt sàn chậu gây tiểu không kiểm soát do tiểu gấp, các triệu chứng trong quá trình tống xuất nước tiểu, hoặc cảm giác khó chịu vùng trên xương mu hoặc tầng sinh môn.

Bài viết tiếp theo “Cách tiếp cận bệnh nhân rối loạn đi tiểu”

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN