Áp xe tuyến Skène niệu đạo

TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn

   Các tuyến Skène niệu đạo được mô tả đầu tiên bởi Tiến sĩ Alexander Johnston Chalmers Skène vào cuối thế kỷ XIX. Mặc dù, không được nhiều người biết đến nhưng các tuyến Skène đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tình dục và thể chất.

1. Các tuyến Skène là gì?

   Các tuyến Skène bao gồm hai ống dẫn nhỏ nằm dọc theo hai bên miệng niệu đạo, ở phần trước của thành âm đạo.

   Tuyến Skène còn được gọi là “tuyến tiền liệt của nữ”. Thực tế, về giải phẫu học không giống tuyến tiền liệt của nam giới. Tuy nhiên, chức năng của tuyến Skène tương đồng với tuyến tiền liệt của nam giới, bao gồm khả năng tiết dịch lỏng vào vùng miệng niệu đạo.

   Người ta cũng nghi ngờ rằng: tuyến Skène liên quan hoặc tạo nên một phần điểm G của phụ nữ. Tuyến cũng có cấu trúc các mô tương tự như cấu trúc của âm vật.

2. Chức năng chính của tuyến Skène là gì?

   Các tuyến Skène đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tình dục và Tiết niệu. Tuyến tiết ra dịch lỏng bôi trơn, đổ vào vùng miệng niệu đạo (ống chuyển nước tiểu ra khỏi bàng quang).

   Ngoài ra, tuyến Skène có chứa các chất kháng khuẩn. Khi tuyến tiết ra những chất này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTIs).

   Giống như tuyến tiền liệt của nam giới, các tuyến Skène cũng đóng một vai trò trong sức khỏe tình dục. Khi bị kích thích, các tuyến Skène và âm vật cương lên do gia tăng lưu lượng máu đến khu vực này, chúng tiết ra chất nhờn lỏng, góp phần giúp bôi trơn khi giao hợp, giúp việc quan hệ tình dục được thoải mái hơn.

   Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng, chất dịch lỏng bài tiết từ các tuyến Skène có thể được xem là tình trạng xuất tinh ở phụ nữ. Thực tế, trong quá trình kích thích tình dục, một số phụ nữ gặp phải tình trạng tiết dịch nhầy khá nhiều từ niệu đạo ngay hoặc trước khi đạt cực khoái.

3. Các bệnh lý phổ biến liên quan đến tuyến Skène là gì?

   Các tuyến của Skène rất nhỏ và không sờ thấy được, trừ khi có khối u nang hoặc viêm áp xe.

   Các tuyến Skène có thể bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến tình trạng viêm niệu đạo. Ngược lại, viêm nhiễm niệu đạo cũng có thể lây nhiễm đến các tuyến Skène. U nang có thể phát triển trong tuyến, nhưng hiếm khi ung thư.

   Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến nhất với tuyến Skène:

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

   Nhìn chung, niệu đạo của phụ nữ chỉ dài khoảng 3,8 – 4cm, so với 18 – 20cm ở nam giới. Sự khác biệt này là một trong những lý do tại sao phụ nữ dễ bị khuẩn đường tiết niệu dưới.

   Các các triệu chứng thường gặp của nhiễm khuẩn đường tiết niệu bao gồm tiểu gắt buốt, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục và có mùi hôi… Tình trạng này cần điều trị kháng sinh để tránh những biến chứng nặng nề hơn.

Viêm tuyến Skène

    Viêm tuyến Skène là tình trạng nhiễm khuẩn các tuyến Skène, cũng có thể viêm lan tỏa các mô lân cận. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu (Neisseria gonorrhoeae), ChlamydiaTrichomonas, phần còn lại do các loại vi khuẩn thông thường khác gây ra.

    Dấu hiệu thường khiến bệnh nhân khám bệnh là tình trạng viêm nang tuyến hay áp xe tuyến Skène (Hình 1).

Hình 1: Áp xe tuyến Skène niệu đạo

(Nguồn: https://www.studyblue.com/notes/note/n/women-s-health-study-guide-2015-16-dr-sheela-barhan/deck/15104653)

   Các triệu chứng thường gặp như tình trạng viêm bàng quang, giao hợp đau hoặc thậm chí đau vùng chậu. Khi có áp xe tuyến Skène, vùng quanh miệng niệu đạo thường một khối lớn đau, có dấu phập phều hoặc chảy mủ khi ấn chẩn.

   Bệnh thường được điều trị kháng sinh cũng như phải can thiệp rạch thoát lưu khối dịch mủ áp xe của nang tuyến.

Ung thư tuyến Skène

   Mặc dù tuyến Skène có thể bị ung thư, nhưng rất hiếm gặp. Người ta nghi ngờ rằng u nang ác tính có thể phát triển trong các ống dẫn này do viêm tuyến Skène không được điều trị. Các u nang lớn có thể gây ra tình trạng bí tiểu.

4. Viêm nang hoặc áp xe tuyến Skène được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

   Khi các ống tiết dịch lỏng bôi trơn của tuyến Skène bị tắc nghẽn, khối u nang có thể được hình thành do dịch tiết ứ đọng lại. Khối u nang này có thể vẫn không có triệu chứng trong một thời gian dài, nhưng nếu bị nhiễm khuẩn, chúng tiến triển thành khối áp xe (chứa dịch mủ).

   Đôi khi khối áp xe rất lớn và gây ra cơn đau dữ dội vùng xung quanh tuyến và tiết dịch mủ (thường màu vàng nhạt). Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị sốt.

   Thăm khám âm đạo thường phát hiện khối nang tuyến Skène nóng đỏ, nằm quanh miệng niệu đạo, rất đau và chảy dịch mủ khi chạm vào.

   Việc điều trị cần sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và rạch thoát lưu khối áp xe. Cách tiếp cận này làm cải thiện nhanh chóng tình trạng sưng đau vùng âm hộ.

5. Khi nào cần đến khám bác sĩ?

   Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Tiểu gắt buốt
  • Tiểu lắt nhắt nhiều lần
  • Bí tiểu
  • Tiểu không kiểm soát
  • Tiểu ra máu
  • Nước tiểu đục, có mùi hôi
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau vùng chậu
  • Có khối bất thường vùng tiền đình âm hộ

6. Làm thế nào có thể ngăn ngừa áp xe tuyến Skène?

   Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, u nang và các bệnh khác của tuyến Skène là duy trì vệ sinh bộ phận sinh dục tốt. Do đó, cần phải vê sinh vùng kín hàng ngày, đặc biệt là vào mùa hè và sau mỗi lần giao hợp, cần thay đồ lót thông thoáng thường xuyên.

   Một biện pháp phòng ngừa hữu ích khác là quan hệ tình dục an toàn – đặc biệt là sử dụng bao cao su bất cứ khi nào có quan hệ tình dục với bạn tình. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn nang và hình thành áp xe của tuyến Skène.

7. Tóm lược các điểm quan trọng

   Vai trò chi tiết của các tuyến Skène cần phải được nghiên cứu thêm, nhưng rõ ràng các ống tuyến nhỏ này, dọc theo mỗi bên của niệu đạo đóng một vai trò nhất định đối với sức khỏe thể chất và tình dục.

   Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng các tuyến Skène cũng dễ bị các bệnh lý. Thường gặp nhất là tình trạng nhiễm khuẩn (viêm nang hoặc áp xe tuyến) và ít gặp hơn là u nang lành hoặc ác tính tuyến Skène.

   Do sự phức tạp của bệnh lý hệ tiết niệu, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa, nếu cảm thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, như đau vùng chậu hoặc rối loạn đi tiểu.

   Điều trị kịp thời các tình trạng này có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nặng nề hơn, chẳng hạn như tổn thương thận do nhiễm khuẩn hoặc viêm đau vùng chậu mạn tính.

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN