Ống bao nhiêu nước hàng ngày để giảm thiểu bệnh thận và đường tiểu?

Có rất nhiều bệnh nhân chia sẻ thật khó uống hơn 1 lít nước trong ngày, bên cạnh đó lại có nhiều bệnh nhân uống 4 – 5 lít nước hàng ngày vì sợ bệnh thận. Chưa kể đến, nhiều người than phiền uống 1 ly nước vào là khoảng 5 – 10 phút phải đi tiểu liền liền… Vậy phải uống bao nhiêu nước thì đủ? Uống nước như thế nào cho thích hợp? 

  • Nước có vai trò gì trong cơ thể sống?

Nước trong cơ thể sống có vai trò rất quan trọng như thanh lọc chất thải độc cơ thể thông qua thận (nước tiểu), qua da (mồ hôi), qua đường tiêu hóa (phân) cũng như qua phổi (hơi thở). Ngoài ra nước còn đóng vai trò điều hòa thân nhiệt, cân bằng các chất điện giải, “bôi trơn” các khớp xương, giữ gìn làn da căng khỏe, bảo vệ các cơ quan quan trọng, nhạy cảm khác…

Nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể, có vai trò cực kỳ quan trọng cho sự sống. Chúng ta sẽ chết nếu nhịn ăn đến 8 – 12 tuần, nhưng chỉ nhịn khát đến vài ngày mà thôi.

  • Uống quá ít hoặc quá nhiều nước có tác hại gì?

Nếu cơ thể thiếu nước nặng thì nguy cơ bị suy thận, rối loạn điện giải, mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể sẽ bị ngừng trệ khiến chúng ta mỏi mệt rất nhanh. Nếu uống nước không đầy đủ kéo dài khiến da khô ráp, cơ thể uể oải, mất ngủ dẫn đến trầm cảm.

Tuy nhiên, uống quá nhiều nước cũng không tốt. Khi đó, thận sẽ phải làm việc “quá tải” để thanh lọc (bình thường 2 thận có thể phải lọc đến…180 lít dịch từ máu để cô đặc lại còn 1 – 1,5 lít nước tiểu). Hơn nữa, khi cơ thể dư nước sẽ gây nên rối loạn điện giải, giảm nồng độ muối (Natri – Kali). Nếu hạ Natri nặng có thể gây co giật, mất ý thức…Nguy hiểm hơn, tình trạng dư nước nặng có thể gây suy tim – phù phổi, đặc biệt các bệnh nhân có bệnh tim mạch có sẵn… 

  • Không khát thì có nên uống nước không? 

Khi bị thiếu nước, các “cảm biến” khắp nơi trong cơ thể sẽ báo hiệu, tạo nên cảm giác khát.  Đồng thời, cơ thể tự điều chỉnh để giữ nước lại trong cơ thể (tiểu ít). Càng lớn tuổi, độ nhạy này ngày càng yếu đi. Thậm chí, đôi khi cơ thể đang cần nước mà chúng ta lại không có cảm giác khát. Quá trình này nếu kéo dài sẽ gây ra các rối loạn mạn tính như đã nêu trên.

Lúc ấy, bác sĩ có thể nhìn vào làn da, tính chất nước tiểu, các xét nghiệm máu…để nhận biết cơ thể bệnh nhân có thiếu nước hay không.

  • Uống bao nhiêu nước thì đủ? 

Đây là một câu hỏi mà nhiều người tự hỏi. Việc uống nước bao nhiêu là đủ do cơ thể mỗi người mỗi khác. Tùy vào sức khỏe, công việc, môi trường sống…nên sẽ không có một con số chung cần uống bao lít nước trong ngày. 

Nếu màu sắc nước tiểu vàng đậm hoặc số lượng nước tiểu dưới 1 lít/ngày đêm (24giờ) thì cần uống thêm nước đển lúc cải thiện các hiện tượng ở trên. Thông thường dấu hiệu nước tiểu có màu vàng nhạt và lượng nước tiểu khoảng 1,5 lít/ngày đêm (24giờ) là đạt yêu cầu.

(Để dễ hiểu, BS thường dặn bệnh nhân uống khoảng 2 – 3 lít nước hàng ngày, việc này chỉ có tính tương đối…).

  • Cách uống nước như thế nào cho thích hợp?

Có rất nhiều người than phiền, chỉ cần uống 1 ly nước là 5 – 10 phút sau phải đi tiểu gần như liên tục…Điều này thường do hệ thống thần kinh điều khiển quá nhạy cảm (tinh thần) hoặc thiếu hormone chống lợi tiểu, hoặc do tình trạng bàng quang tăng hoạt tính (kích thích hoặc co bóp)…Nên cần được kiểm tra.

Tốt nhất nên uống nước vào các thời điểm cụ thể như sau: (1) uống nước rải đều nhiều lần trong ngày; (2) uống một ít nước ấm vào buổi sáng; (3) uống một ít nước trước bữa ăn 30 phút (có tác dụng giảm béo); (4) uống nước trước và sau khi tắm; (5) uống một ít nước trước khi đi ngủ.

Một số người rất khó uống “nước trắng”, nên cần đến loại “nước màu” pha nhạt để cải thiện tình trạng này, chẳng hạn như trà atiso…

Tóm lại:

Nước cũng như một loại thuốc, việc uống nước quá ít hoặc quá nhiều, hay uống không đúng cách cũng gây ra tác hại cho cơ thể sống chúng ta. Bên cạnh đó, cơ địa và sức khỏe mỗi người mỗi khác, nên việc uống nước cũng tùy đó mà tự điều chỉnh cho thích hợp!

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN