Huyền thoại “bác sĩ điểm 10”?

Trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế xã hội hiện tại, có vẻ ngày càng có nhiều thông tin tiêu cực được biết đến, trong đó y tế cũng là lĩnh vực khá nổi cộm…nhiều lúc cũng muốn “mặc kệ” để cho tinh thần được “dễ thở” hơn, nhưng có lẽ trong “hơi thở” của mình cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng, không còn được trong lành…Đó là vấn đề “sự cố y khoa”.

Trong cuộc đời hành nghề của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ phẫu thuật chẳng ai dám “vỗ ngực” chưa từng gặp phải sự cố y khoa (không lớn thì nhỏ). Tai biến – biến chứng y khoa là nỗi sợ hãi và ám ảnh nhất của cuộc đời hành nghề bác sĩ…

Khi có sự cố y khoa, chắc chắn bệnh nhân và người thân là người chịu thiệt thòi nhất, bên cạnh đó bác sĩ lại là người ăn không ngon ngủ không yên trong một khoảng thời gian dài vô định, tùy theo mức độ, có thể gây ra ám ảnh và cắn rứt nội tâm mà chẳng ai thấu hiểu được!

Cuộc sống ai cũng biết “có thực mới vực được đạo”, ai cũng có nhu cầu sống cho bản thân và gia đình… bác sĩ cũng là người phàm nên không thể tránh khỏi qui luật này. Tiếc thay, một số bác sĩ lại “lạm dụng quá mức câu thần chú này”, khiến xã hội mất hết niềm tin, dẫn đến có “cảm nhận qui chụp”, mà ít ai quan tâm đến hơn 80% bác sĩ phải làm việc tại tuyến cơ sở với đời sống khá khó khăn.

Khi xã hội mất đi niềm tin, trong lúc đó một bộ phận báo chí lại luôn muốn giật tít đề mục để gây ấn tượng trước một sự cố y khoa xảy ra, khiến vấn đề ngày càng trở thành vòng xoáy lẩn quẩn không có lối ra…

Cuộc đời bác sĩ làm tốt hàng trăm, hàng ngàn công việc chẳng ai biết (nhiều lúc họ cũng chẳng cần ai biểu dương), nhưng chỉ cần 1 lần chưa tốt (chưa rõ đúng sai, chưa rõ thể loại sự cố nào) đều xem như kết thúc một nghề nghiệp, thậm chí kết thúc “một cuộc đời”…

Sự cố y khoa có thể được xếp thành 3 thể loại như sau:

  1. Sự cố do hạn chế trình độ chuyên môn (thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức chuyên ngành…).
  2. Sự cố do tình trạng bệnh quá nặng, quá phức tạp (bệnh nhân vào viện muộn, bệnh quá nghiêm trọng khó cứu chữa được, bệnh tiềm ẩn khó tiên đoán được…).
  3. Sự cố do tinh thần trách nhiệm (thói quen làm việc không tốt của cá nhân hoặc tập thể).

Chúng ta sẽ khó có thể tha thứ được cho những sự cố thứ 3 này, tuy nhiên có mấy ai hiểu rõ được chi tiết phân loại này, mà thường chỉ biết vấn đề chung chung…

Tôi không muốn đề cao một cách mù quáng nghề nghiệp của mình, hay cố bảo vệ một cách cố chấp chuyên ngành hay đồng nghiệp của mình. Tôi cũng lên án một bộ phận nhân viên y tế để xảy ra thể loại “sự cố y khoa do tinh thần trách nhiệm”. Tuy nhiên, cuộc sống xét cho cùng thì tất cả đều có “tính tương đối”, chẳng ai có thể làm tất cả các bài kiểm tra đều được điểm 10, ngoại trừ có thiên vị hoặc gian lận…

“Cầm dao lâu ngày cũng có ngày đứt tay” cũng là vậy đó! Nhiều lúc đồng nghiệp chuyện trò vui với nhau, càng có tuổi nghề càng cảm thấy nguy hiểm, càng cảm thấy “nhát hèn” hơn là vậy đó (!)…

Hình ảnh là 1 bệnh nhân được phẫu thuật thận trái hơn 10 năm trước đây tại bệnh viện bạn, bệnh nhân không đi tái khám, giấy tờ ra viện đã bị mất từ lâu. Lần này vào viện với ống thông JJ thận trái bám đầy sỏi nhiễm khuẩn và đứt thành nhiều khúc!

 

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN