TRIỆU CHỨNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI – Phần 1

CÁC KHÁI NIỆM VÀ THUẬT NGỮ “CÁC TRIỆU CHỨNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI”

Chức năng bình thường của bàng quang là chứa đựng và tống xuất nước tiểu ra ngoài qua niệu đạo. Quá trình này có sự phối hợp và kiểm soát của hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên.

Bất cứ một bất thường nào trong quá trình đổ đầy và/hoặc tống xuất nước tiểu của bàng quang đều có thể gây ra các triệu chứng đường tiết niệu dưới (LUTS: Lower Urinary Tract Symptoms).

Các triệu chứng đường tiết niệu dưới được biểu hiện qua 3 nhóm triệu chứng sau đây:

  1. Các triệu chứng chứa đựng nước tiểu (trước đây gọi là triệu chứng kích thích):
  • Tiểu gấp: là cảm giác muốn đi tiểu một cách đột ngột, cần phải đi tiểu ngay và rất khó có thể nhịn được.
  • Tiểu nhiều lần: được biểu hiện số lần đi tiểu hơn 8 lần trong 24 giờ. Tiểu nhiều lần liên quan đến thể tích nước tiểu mỗi lần đi giảm và thời gian giữa các lần đi tiểu giảm (< 2 giờ). Tiểu nhiều lần với thể tích nước tiểu nhiều gọi là đa niệu. Tiểu nhiều lần thường được kết hợp với tiểu gấp là nhu cầu đi tiểu cấp thiết, thường được xem là hội chứng bàng quang tăng hoạt. Tiểu nhiều lần mức độ nặng được biểu hiện như là tiểu lắt nhắt.
  • Tiểu đêm: được biểu hiện trong đêm phải thức dậy hơn 1 lần để đi tiểu.
  • Tiểu không kiểm soát do tiểu gấp: là tình trạng thoát nước tiểu ra ngoài theo sau cảm giác tiểu gấp.
  • Tiểu dầm: là tình trạng thoát nước tiểu ra ngoài trong lúc ngủ.
  • Bàng quang tăng hoạt: là tình trạng liên quan đến các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, có hoặc không có triệu chứng tiểu không kiểm soát do tiểu gấp. Thuật ngữ này thường dùng cho trường hợp các triệu chứng không có nguyên nhân thực thể rõ ràng (tham khảo bài “Bàng quang tăng hoạt”).

Hình 1: Tóm tắt “Các triệu chứng đường tiết niệu dưới”

  1. Các triệu chứng tống xuất nước tiểu (trước đây gọi là triệu chứng bế tắc):
  • Tiểu khó: được biểu hiện khởi động tiểu chậm, tia nước tiểu yếu, tiểu hai dòng, tiểu nhỏ giọt, rặn khởi động tiểu bằng cơ thành bụng và tiểu ngắt quãng.
  • Tiểu ngập ngừng: được biểu hiện khởi động tiểu chậm.
  • Tia nước tiểu yếu: được đặc trưng bởi lực, khẩu kính của tia giảm và thời gian đi tiểu kéo dài.
  • Tiểu không hết: là tình trạng có nước tiểu tồn lưu sau đi tiểu.
  • Bí tiểu: là tình trạng có nhiều nước tiểu trong bàng quang nhưng không tiểu được hoặc tiểu không hết. Bí tiểu cấp liên quan đến tình trạng mất hoàn toàn khả năng đi tiểu một cách đột ngột ở bệnh nhân có thể có hoặc không có các triệu chứng đường tiết niệu trước đó. Bí tiểu mạn liên quan đến thể tích nước tiểu tồn lưu lớn trong bàng quang sau đi tiểu, bệnh nhân thường ít hoặc không có cảm giác mắc tiểu.
  • Tiểu gắt, tiểu buốt: là cảm giác đau buốt lúc đi tiểu.
  1. Các triệu chứng sau đi tiểu:
  • Cảm giác tiểu không hết: là tình trạng còn cảm giác muốn đi tiểu nữa ngay sau khi kết thúc đi tiểu.
  • Tiểu nhỏ giọt sau đi tiểu: là tình trạng nước tiểu rỉ ra ngoài ngay sau khi kết thúc đi tiểu.

Tài liệu tham khảo:

  1. Elizabeth Timbrook Brown, Alan J. Wein, Roger R. Dmochowski (2020). Pathophysiology and Classification of Lower Urinary Tract Dysfunction. In: Wein A.J: Campbell – Walsh – Wein Urology. 12th, Saunders Elsevier. Vol. 3, chap 111, pp. 11483 – 11538.
  2. Emil A. Tanagho (2004). Neuropathic Bladder Disorder. In: Smith’ General Urology. 15th edit., The McGraw-Hill companies., pp 498 – 515.
  3. Gravas S. et al (2020). Management of Non-Neurogenic Male Lower Urinary Tract Symptoms (LUTS), incl. benign prostatic obstruction (BPO). In: European Association of Urology Guidelines. 2020 edit., pp. 569 – 645.

(Phần tiếp theo: SINH LÝ – SINH LÝ BỆNH ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI)

Bài viết liên quan

BỆNH NANG THẬN

TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn I. Nang thận là gì?    Nang thận là khối dịch bất thường tại nhu mô thận, có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên thận. Nang thận thường có…

Áp xe tuyến Skène niệu đạo

TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn    Các tuyến Skène niệu đạo được mô tả đầu tiên bởi Tiến sĩ Alexander Johnston Chalmers Skène vào cuối thế kỷ XIX. Mặc dù, không được nhiều người biết đến…

DỊ VẬT ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

TỰ ĐƯA VẬT LẠ VÀO NIỆU ĐẠO Dị vật đường tiết niệu là gì?    Đây là tình huống cấp cứu “tế nhị” không phải ít gặp. Hầu hết do người bệnh tự đưa vật…

ĐẶT LỊCH HẸN