BỆNH NANG THẬN

TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn

I. Nang thận là gì?

   Nang thận là khối dịch bất thường tại nhu mô thận, có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên thận. Nang thận thường có hình tròn, dịch thường có màu vàng trong và không thông với đài bể thận, nên không phải nước tiểu.

   Nang thận là bệnh thường gặp ở người tuổi trung niên. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gặp ở trẻ em gọi là bệnh nang thận trẻ em. Một số trường hợp nang thận xuất hiện trước sinh gọi là bệnh nang thận bẩm sinh.

   Nhìn chung, nang thận có thể được chia thành 3 loại sau đây:

    1. Nang thận đơn độc: chỉ có 1 nang ở nhu mô thận, bệnh có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên. Nang thận đơn độc là loại nang thường gặp nhất nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất, chủ yếu ở bệnh nhân tuổi trung niên.

Hình 1: Nang thận đơn độc trên hình ảnh siêu âm bụng

(Nguồn: Campbell-Walsh Urology-Elsevier (2020)

  • Nang thận đơn độc thường không có triệu chứng gì, cũng rất ít gây ra biến chứng. Nếu nang có kích thước lớn, có thể gây căng tức nhẹ vùng hông lưng.
  • Nang thận thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng tổng quát.
  • Nang thận có thể gây ra một số biến chứng sau đây:
  • Đau hông lưng do nang quá to gây căng tức hoặc chèn ép đài bể thận – niệu quản gây ứ nước thận, hoặc xuất huyết trong nang
  • Nhiễm khuẩn nang, lúc đó dịch nang đục hoặc mủ, viêm tấy lan ra thận và quanh thận…gây sốt cao và đau nhiều vùng hông lưng.
  • Nếu nang nhỏ, không có triệu chứng hoặc không biến chứng thì không cần thiết phải điều trị. Đặc biệt không mổ.
  • Nếu có biến chứng, thường có có chỉ định mổ.
  • Nếu kích thước nang thận quá lớn, hoặc bệnh nhân quá lo lắng thì có thể xét can thiệp điều trị nang.

     2. Thận nhiều nang: tương tự như bệnh nang thận đơn độc nhưng có nhiều nang nhỏ. Nguyên nhân thường do sự tắc nghẽn của nhiều đơn vị thận trong quá trình hình thành và phát triển.

    3. Thận đa nang: thường do yếu tố di truyền và nên được theo dõi mỗi 6 tháng một lần thông qua kiểm tra siêu âm bụng. Khi có các biến chứng nêu trên thì cần khám và điều trị tại chuyên khoa Tiết niệu để có chỉ định can thiệp ngoại khoa kịp thời.

Hình 2: Thận đa nang di truyền trên hình ảnh chụp CTscans bụng

(Nguồn: Campbell-Walsh Urology-Elsevier (2020)

II. Nguyên nhân gây ra nang thận

Nguyên nhân gây ra bệnh nang đơn thận vẫn chưa được biết rõ. Một số giả thuyết cho rằng: do tình trạng thiếu máu cung cấp cho nhu mô thận, hoặc có sự phá hủy cấu trúc các ống thận do bất cứ lý do gì có thể là nguyên nhân gây ra bệnh nang thận…

Bệnh thận đa nang có liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy nhiên, nang thận đơn độc thì không, vai trò của gen và đột biến gen chưa có bằng chứng liến quan đến quá trình hình thành và phát triển bệnh lý này.

Ai có nguy cơ bị nang thận?

  • Người ở tuổi trung niên: thường trên 50 tuổi
  • Nam giới: bệnh thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn
  • Tiền căn có nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên (viêm thận – bể thận).
  • Những bệnh nhân có bệnh thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc.
  • Gia đình có người mắc bệnh nang thận (thận đa nang).

III. Triệu chứng lâm sàng bệnh nang thận

  • Bệnh nang thận thường không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có xuất hiện biến chứng. Nang thận thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.
  • Biểu hiện lâm sàng có thể bao gồm các tình huống sau đây:
  • Đau vùng hông lưng hoặc hạ sườn nếu nang lớn, chèn ép vào các cơ quan khác hoặc xuất huyết trong nang.
  • Khi có nhiễm khuẩn nang thận, bệnh nhân sẽ có triệu chứng sốt cao lạnh run và đau nhiều vùng hông lưng cùng bên.
  • Tăng huyết áp: rất ít gặp, nếu nang lớn gây chèn ép vào động mạch thận.
  • Một số namg thận lớn có thể sờ được qua khám lâm sàng.
  • Nang thận kèm nang gan, tình huống này tương đối thường gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 40 – 50%.

Bệnh nang thận có nguy hiểm không?

  • Hầu hết nang thận thuộc loại lành tính, ít có biểu hiện lâm sàng, thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng: nang hình tròn có bờ tương đối đều rõ, mỏng mềm, bên trong chưa dịch trong nên rỗng âm.
  • Bệnh nang thận thường tiến triển chậm, ít có biến chứng (chỉ khoảng dưới 3% có thể có các biến chứng như xuất huyết trong nang, vỡ nang, nhiễm khuẩn…).
  • Vì vậy, hầu hết nang thận không cần điều trị. Nếu nang thận lớn gây đau nhiều hoặc có biến chứng mới có chỉ định can thiệp.

Phân loại nang thận theo Bosniak (tiên đoán nguy cơ ác tính)

  • Loại 1: nang thận lành tính
  • Loại 2: hiếm khi ác tính
  • Loại 3: nguy cơ ác tính cao (40 – 50%)
  • Loại 4: gần như ác tính (80 – 100%)

IV. Chẩn đoán bệnh nang thận

Để chẩn đoán bệnh nang thận dựa vào:

  • Các triệu chứng lâm sàng và tiền căn liên quan bệnh lý này.

Một số xét nghiệm chẩn đoán sau đây:

  • Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận: ure, creatinin, ion đồ…
  • Tổng phân tích nước tiểu và tế bào nước tiểu: phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu liên quan đến nang thận.
  • Siêu âm bụng: xác định số lượng, vị trí, kích thước nang. Đặc biệt tính chất thành nang thận.
  • Chụp CTscans hoặc cộng hưởng từ (MRI): nếu kết quả siêu âm không rõ hoặc nghi ngờ có biến chứng, để chẩn đoán phân biệt nang thận với bướu thận, phân biệt với nguyên nhân gây thận ứ nước.

V. Các phương pháp điều trị bệnh nang thận

  • Chưa có phương pháp nội khoa nào ngăn ngừa được tiến triển nang thận.

Chỉ định can thiệp nang thận:

  • Nếu nang thận không quá lớn và không có triệu chứng thì không cần điều trị.
  • Nếu nang thận gây đau nhiều hoặc gây ra các biến chứng thì có chỉ định can thiệp ngoại khoa.
  • Nếu nang thận lớn chưa cần phải can thiệp, nhưng bệnh nhân vẫn không an tâm, có chỉ định tương đối can thiệp điều trị.

Một số phương pháp can thiệp nang thận bao gồm:

  • Chọc hút nang qua siêu âm, bơm chất làm hóa xơ hóa vào lòng nang. Tuy nhiên, tỷ lại tái phát tùy thuộc vào hóa chất bơm vào. Một số báo cáo trước đây, tỷ lệ tái phát có thể lên đến 70% chỉ sau khoảng thời gian 3 tháng.
  • Mổ mở cắt chóp nang thường được thực hiện khi có biến chứng nhiễm khuẩn nặng nang hoặc xuất huyết trong nang. Thời gian nằm viện kéo dài, chậm phục hồi sức khỏe, vết mổ sẽ để lại sẹo dài.
  • Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt chóp nang thận thường được thực hiện khi nang thận lớn chưa có biến chứng nhiễm khuẩn nặng nang thận. Phương pháp can thiệp này khắc phục được các nhược điểm của mổ mở.

Các điều trị hỗ trợ khác bao gồm:

  • Điều trị biến chứng xuất huyết nang thận cần nằm nghỉ ngơi, dùng các thuốc cầm máu, uống đủ nước 2l/ngày, truyền máu nếu có chỉ định.
  • Nếu có nhiễm khuẩn đường tiết niệu: sử dụng kháng sinh theo đúng phác đồ.
  • Uống nhiều nước (> 2l/ngày) để tránh tạo sỏi thận…

VI. Cách theo dõi bệnh nang thận

  • Chưa có phương pháp dự phòng bệnh nang thận, cũng như chưa có phương pháp điều trị nội khoa ngăn ngừa được tiến triển nang thận lớn lên.
  • Bệnh nhân có nang thận, cần theo dõi định kỳ mỗi 6 – 12 tháng bằng siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận định kỳ.

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN