VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)

                             TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn

1. Vỡ bàng quang là gì?

Bàng quang hay bọng đái là một tạng rỗng hình cầu nằm trong khung chậu, ở phần dưới phúc mạc có chức năng chưa đựng nước tiểu.

Vỡ bàng quang là một tình trạng rách vỡ thành bàng quang và nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài (khoang phúc mạc hoặc vùng chậu).

Có các phân loại vỡ bàng quang như sau (liên quan đến nguyên nhân và hướng điều trị):

  • Vỡ bàng quang trong phúc mạc: Thường do chấn thương vùng bụng dưới, khi bàng quang đang căng đầy nước tiểu. Vị trí vỡ thường nằm ở phần chóp bàng quang, nước tiểu thoát vào trong khoang bụng (khoang phúc mạc).
    • Ở các nước tiên tiến: ít gặp, chỉ chiếm khoảng 30%.
    • Ở các nước đang phát triển (có Việt Nam): chiếm đa số, thường do tai nạn xe gắn máy sau khi uống nhiều bia rượu.
  • Vỡ bàng quang ngoài phúc mạc: Thường do tai nạn vỡ xương chậu (xe ô tô, tường hoặc gỗ đè…). Vị trí vỡ thường ở sâu, gần xương chậu, nước tiểu thoát ra khoang ngoài phúc mạc, khu trú ở vùng chậu.
    • Ở các nước tiên tiến: thường gặp, chiếm khoảng 60%, do tai nạn xe ô tô.
    • Ở các nước đang phát triển (có Việt Nam): tỷ lệ ít gặp hơn.
  • Vỡ bàng quang kết hợp: 10%, tổn thương đồng thời cả trong và ngoài phúc mạc.

2. Các tình huống vỡ bàng quang?

Hầu hết các trường hợp vỡ bàng quang xảy ra sau chấn thương vùng chậu. Chấn thương này có thể do va đập từ bên ngoài hoặc đâm xuyên vào bàng quang.

  • Vỡ bàng quang trong phúc mạc: thường sau va đập vùng chậu khi bàng quang căng đầy nước tiểu: tai nạn xe gắn máy, té ngã, vật nặng rơi đè hoặc lực đánh do ẩu đả hoặc thể thao.
  • Vỡ bàng quang ngoài phúc mạc: thường chấn thương đâm xuyên bàng quang như gãy xương chậu do tai nạn. Các trường hợp ít gặp hơn như do đạn bắn hoặc dao đâm.
  • Vỡ bàng quang tự phát: hiếm xảy ra và dễ bỏ sót. Bệnh nhân bị bí tiểu mạn tính do bướu tuyến tiền liệt hoặc hẹp niệu đạo, ung thư bàng quang, viêm bàng quang kéo dài, xạ trị vùng chậu trước đó…
  • Một số trường hợp khác: bàng quang có thể bị thương tổn do phẫu thuật vùng chậu, thủ thuật đường tiết niệu… Ngoài ra, các trường hợp căng đầy bàng quang quá mức đều có nguy cơ gây vỡ.

3. Các dấu hiệu và triệu chứng nào nghi ngờ vỡ bàng quang?

  • Các dấu hiệu và triệu chứng khá mơ hồ, dễ bỏ sót hoặc chẩn đoán chậm trễ:
    • Chấn thương vùng hạ vị hoặc đa chấn thương.
    • Có thể kèm theo choáng, chủ yếu do mất máu (khi có gãy xương chậu, chấn thương các cơ quan khác kèm theo).
  • Trường hợp điển hình, bệnh nhân có:
    • Đau hạ vị.
    • Buồn tiểu nhưng không tiểu được hoặc tiểu lẫn máu.
    • Có thể có vết xây xước, đụng dập vùng hạ vị.
    • Khám bụng “lùng nhùng” (báng bụng do nước tiểu).
    • Có thể có phản ứng thành bụng nếu nhập viện muộn.

4. Phương tiện nào chẩn đoán vỡ bàng quang?

  • Chụp bàng quang và niệu đạo ngược dòng (UCR): kỹ thuật được sử dụng thường quy trước đây.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): được ưu tiên lựa chọn, vì cho thêm thông tin đánh giá các cấu trúc khác của khung chậu.
  • Một số kỹ thuật cơ bản khác sau đây:
    • X quang khung chậu
    • Siêu âm bụng
    • Đặt thông niệu đạo (bơm rửa…)
    • Nội soi bàng quang

5. Vỡ bàng quang được điều trị như thế nào?

Nguyên tắc điều trị chung cho các trường hợp vỡ bàng quang là:

  • Hồi sức cấp cứu: điều trị hồi sức chống sốc, kháng sinh chống nhiễm khuẩn…
  • Can thiệp ngoại khoa: Đóng vai trò chủ yếu đối với những trường hợp chấn thương phức tạp, phối hợp:
    • Vỡ bàng quang trong phúc mạc: cần được can thiệp phẫu thuật sớm, để tránh nguy cơ viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, suy thận và tử vong.
    • Vỡ bàng quang ngoài phúc mạc: điều trị bảo tồn hoặc can thiệp tùy thuộc tình huống như sau:
      • Vỡ bàng quang không biến chứng: nên điều trị nội khoa bảo tồn, bao gồm: dẫn lưu nước tiểu, sử dụng kháng sinh… Bệnh nhân được đặt ống thông niệu đạo khoảng 2 – 3 tuần hoặc lâu hơn để vết thương bàng quang tự lành lại.
      • Nếu vết vỡ bàng quang không tự lành sau 4 tuần: nên xem xét can thiệp phẫu thuật.
      • Vỡ bàng quang ngoài phúc mạc do vết thương phức tạp, phối hợp: cần can thiệp phẫu thuật sớm.

6. Cách nào phòng ngừa vỡ bàng quang?

Mặc dù vỡ bàng quang là tình trạng không quá phổ biến, nhưng dễ bỏ sót và có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Việc phòng ngừa vỡ bàng quang được khuyến cáo như sau:

  • Đảm bảo an toàn lao động khi làm việc ở trên cao, nguy cơ té ngã.
  • Tuân thủ luật giao thông và các biện pháp lái xe an toàn.
  • Không nên cố nhịn tiểu, đặc biệt lúc tham gia giao thông.
  • Không uống quá nhiều rượu bia để tránh lợi tiểu quá nhanh.

Bài viết liên quan

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

TÌNH DỤC ĐỒNG GIỚI

Kiến thức y học thường thức về ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn  1. Tình dục đồng giới là gì? – “Tình dục đồng giới” hay “Đồng tính luyến ái”: Là cảm giác…

ĐẶT LỊCH HẸN