TINH HOÀN ẨN VÀ NGUY CƠ UNG THƯ HÓA

(Thông tin y học thường thức)

1. Tinh hoàn ẩn là gì?

  • Bình thường, khi sinh ra bé trai đã có hai tinh hoàn ở trong bìu dái, tình trạng này thường ổn định về sau.
  • Trong thời kỳ bào thai, bé trai có hai tinh hoàn nằm “trong ổ bụng”. Khi thai nhi được 8 tháng, cả hai tinh hoàn đã di chuyển từ bụng qua ống bẹn rồi xuống bìu trước khi trẻ chào đời.
  • Tinh hoàn ẩn là tình trạng mà lúc sinh ra, một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà nằm ở bụng hoặc trong ống bẹn hoặc chỉ xuống bìu một phần. Thường chỉ một tinh hoàn bị ẩn, nhưng có khoảng 10% trẻ bị ẩn cả hai tinh hoàn.

    Mô hình biểu diễn các vị trí tinh hoàn ẩn (tham khảo)
    Mô hình biểu diễn các vị trí tinh hoàn ẩn (tham khảo)
  • Đây là một bệnh lý tương đối phổ biến ở trẻ trai. Bệnh mắc với tỷ lệ 3 – 4% ở trẻ sinh ra đủ tháng, tăng lên đến 30% ở trẻ sinh thiếu tháng.
  • Có hai dạng tinh hoàn ẩn:
    • Tinh hoàn ẩn sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở ống bẹn, nhưng đôi lúc không sờ thấy do tinh hoàn di chuyển lên trên, vào sâu ở trong ống bẹn.
    • Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu (phần trên cao của bẹn) hoặc nằm trong ổ bụng.

2. Làm sao biết tinh hoàn ẩn?

  • Ở bé trai: không nhìn thấy hoặc sờ thấy tinh hoàn ở vị trí bình thường ở bìu.
  • Ở người trưởng thành:
    • Người bệnh tự phát hiện trong bìu không có tinh hoàn hoặc chỉ sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên ở một hoặc hai bên.
    • Phát hiện khi khám bệnh tổng quát, đặc biệt khám bệnh về nam khoa.

3. Tinh hoàn ẩn để lâu có nguy cơ gì?

  • Nguy cơ vô sinh: Tinh hoàn ẩn thường có kích thước nhỏ hơn bình thường, nhu mô thường bị mềm nhão.
    • Nếu người bệnh chỉ bị ẩn tinh hoàn một bên thì vẫn có khả năng có con nhưng có nhiều rủi ro, do giảm số lượng tinh trùng hoặc nguy cơ cao bị ung thư hóa bên phía tinh hoàn ẩn.
    • Trường hợp người bệnh bị tinh hoàn ẩn hai bên thì nguy cơ vô sinh rất cao. Hơn nữa, người bị tinh hoàn ẩn có thể kèm theo các dị tật bẩm sinh khác phối hợp, làm tăng nguy cơ vô sinh cho người bệnh.
  • Nguy cơ rối loạn tình dục: tinh hoàn ẩn thường có kích thước nhỏ và mô nhão hơn bình thường, ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh trùng ở bên đó. Chức năng tiết hormone đàn ông (testosterone) ít bị ảnh hưởng hơn.
    • Tuy nhiên, những trường hợp nặng, gây thiếu hụt hormone testosterone trầm trọng, làm giảm ham muốn tình dục, đôi khi còn không thể quan hệ tình dục được.
    • Thể trạng những người này thường yếu đuối, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, tâm sinh lý cũng như đời sống của người bệnh.
  • Nguy cơ ung thư tinh hoàn: người bệnh có tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị có thể gặp nguy cơ ung thư hoá tinh hoàn.
    • Tỷ lệ này cao từ 22 – 40 lần so với trẻ bình thường.
    • Một tinh hoàn lớn, không đau thì khả năng bị ung thư tinh hoàn lên đến 95%! Do vậy, cần phát hiện tinh hoàn ẩn sớm để được điều trị thích hợp.
Hình ảnh ung thư hóa tinh hoàn ẩn phát hiện muộn
  • Nguy cơ chấn thương tinh hoàn: tinh hoàn ẩn trong ống bẹn, thường bị cố định, nên dễ bị chấn thương vỡ dập khi va chạm mạnh bên ngoài. Hơn nữa, tinh hoàn ẩn còn có nguy cơ cao bị thoát vị bẹn và xoắn tinh hoàn.
  • Ảnh hưởng xấu đến tâm lý: tổn thương về tâm sinh lý “đàn ông trưởng thành”, do không có hay chỉ có một tinh hoàn ở trong bìu.

4. Tinh hoàn ẩn có cần phẫu thuật không?

  • Hầu hết các trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi.
  • Sau 12 tháng tuổi, nếu tinh hoàn vẫn chưa xuống bìu, thì khả năng tinh hoàn tự động đi xuống bìu là rất ít, lúc đó cần can thiệp điều trị.
  • Hầu hết các trường hợp cần điều trị là can thiệp phẫu thuật (một số trường hợp cần điều trị nội tiết trước, nhưng hiệu quả không cao).
    • Đưa tinh hoàn xuống bìu: nếu tinh hoàn có không quá teo nhỏ hoặc không bị ung thư hóa.
    • Cắt bỏ tinh hoàn: Tinh hoàn quá teo nhỏ hoặc bị ung thư hóa. Một số trường hợp đặc biệt, tinh hoàn ẩn trong ổ bụng, có cuống mạch máu quá ngắn, phẫu thuật nhiều lần quá phức tạp, nhiều nguy cơ không có lợi cho người bệnh, tinh hoàn bên còn lại tốt, có thể xét cắt bỏ tinh hoàn ẩn.

5. Thời điểm nào nên phẫu thuật?

  • Trẻ nhỏ: cần phát hiện sớm và điều trị phẫu thuật trước 2 tuổi.
  • Trẻ lớn hoặc người trưởng thành: nên phẫu thuật sớm sau khi được phát hiện.

6. Sau phẫu thuật có làm giảm nguy cơ ung thư không?

  • Nhiều nghiên cứu cho thấy, phẫu thuật đưa tinh hoàn ẩn xuống bìu không làm giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn.
  • Những lợi ích của phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu:
    • Khi bị ung thư hóa tinh hoàn (tinh hoàn to lên, không đau), người bệnh dễ phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
    • Giảm nguy cơ xoắn tinh hoàn và chấn thương vỡ tinh hoàn (so với khi ẩn trong ống bẹn).
    • Giải quyết vấn đề tâm lý “tự ti đàn ông”.

7. Cách theo dõi sau phẫu thuật?

  • Tinh hoàn sau khi phẫu thuật đưa xuống bìu thường nằm cao hơn so với bên còn lại, nên người bệnh cần biết và không quá băn khoăn về vấn đề này.
  • Nếu tinh hoàn lớn lên dần và không đau, thì có thể là tinh hoàn bị ung thư hóa. Cần khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

8. Dự phòng bệnh tinh hoàn ẩn?

  • Tỷ lệ mắc tinh hoàn ẩn ở bé trai khoảng 3 – 4% khi sinh, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ sinh nhẹ cân, sinh non hoặc sinh đôi…
  • Tinh hoàn ẩn thường được phát hiện ở những trẻ bị dị tật bẩm sinh lúc sinh hoặc bất thường về di truyền, hoặc bị hội chứng rối loạn nội tiết. Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ được sinh ra với tinh hoàn ẩn đơn thuần, không xác định được nguyên nhân hoặc các bất thường khác.
  • Tinh hoàn ẩn chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố có thể phòng tránh được như sau:
    • Người mẹ cần tránh sử dụng rượu trong thai kỳ, tránh khói thuốc, giảm béo phì, điều trị tốt đái tháo đường kể cả đái tháo đường xuất hiện trong thai kỳ
    • Cha mẹ tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
    • Khi mẹ mang thai, tránh dùng các dược phẩm có chất diethylstilbestrol hoặc chất kháng androgen.
    • Đối với bé trai sinh nhẹ cân, sinh non, sinh đôi…cha mẹ cần chú ý kiểm tra trong lúc thay tã hoặc lúc tắm cho bé, xem bé có bị tinh hoàn ẩn hay không để đưa trẻ đi khám và điều trị sớm.

TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn
(Đại học Y Dược – BV. Bình Dân)

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN