ĐAU BỤNG DƯỚI KÈM TIỂU LẮT NHẮT KÉO DÀI: Nỗi khổ sở của người bệnh!

Hôm qua tiếp nhận 1 bệnh nhân bị đau hạ vị (bụng dưới) kèm tiểu lắt nhắt nhiều lần kéo dài, nhưng lại rất đặc biệt vì luôn khóc không nên lời khi nói chuyện với BS! Trao đổi mới biết mấy năm nay chị ấy chịu đựng “nỗi niềm” này, chạy đủ nơi để khám làm xét nghiệm, đều được các bác sĩ chẩn đoán “viêm bàng quang”, được cho uống và chích thuốc kháng sinh liên tục, mà bệnh lại càng nặng thêm…

Nỗi khổ đè nén bao năm kèm cảm giác bất lực với tình trạng bệnh nên bây giờ chị ấy rất nhạy cảm và tủi thân!

Đau vùng bụng dưới kèm tiểu lắt nhắt nhiều lần, kéo dài hàng tháng đến hàng năm là nỗi khổ sở vô hình của người bệnh! Trong đó, có đến 80 – 90% là nữ giới! Đây là biểu hiện điển hình của tình trạng viêm bàng quang mạn tính (viêm bàng quang kẽ – interstitial cystitis). Bệnh không do vi khuẩn gây ra. Giả thuyết nguyên nhân sinh bệnh là do niêm mạc bàng quang thiếu một số chất cần thiết, làm tăng tính thấm nước tiểu vào thành bàng quang, gây kích thích tạo nên các triệu chứng “khổ sở” như trên. Tiếc thay, tình trạng này lại gặp rất nhiều tại phòng khám chuyên khoa Tiết niệu!

“Viêm bàng quang” là một danh từ chung thể hiện tình trạng viêm của niêm mạc và thành bàng quang (bọng đái chứa nước tiểu). Nguyên nhân viêm có thể là viêm nhiễm (do vi khuẩn thường hoặc vi khuẩn lao) hoặc viêm không nhiễm (do thuốc, tia xạ, chấn thương hoặc do…nước tiểu!).

Như vậy khi các bác sĩ ghi chẩn đoán: “viêm bàng quang”, thường được hiểu là viêm bàng quang cấp tính do vi khuẩn thông thường. Khi đó mặc định sẽ có sử dụng kháng sinh (kể cả khi có kết quả cấy nước tiểu và kháng sinh đồ).

Vậy thì, do đâu mà bệnh nhân lại “khổ sở”?

  1. Đây là bệnh lý chức năng, nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ. Việc chẩn đoán là loại trừ các nguyên nhân khác như viêm nhiễm khuẩn, sỏi bàng quang, bàng quang hỗn loạn do bệnh lý thần kinh…Tuy bệnh xảy ra khá nhiều nhưng các bác sĩ lại…ít biết và ít quan tâm tình trạng này (thực ra hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Hội Tiết niệu Âu châu và Hoa Kỳ đã nêu ra rất rõ từ lâu – Guideline).
  2. Nhóm triệu chứng trên lại phần nào trùng hợp với tình trạng viêm bàng quang cấp do vi khuẩn. Tuy nhiên, ở đây triệu chứng chỉ mới xảy ra vài ngày hoặc vài tuần, thường có kèm theo “tiểu gắt” (tiểu đau). Các xét nghiệm nước tiểu như tổng phân tích nước tiểu, soi cấy nước tiểu tìm vi khuẩn thường có bằng chứng nhiễm khuẩn (ngược hẵn với tình trạng viêm bàng quang kẽ).
  3. Tiểu mót rặn lắt nhắt nhiều lần (5 – 10 phút đi tiểu 1 lần) lại thường được bệnh nhân khai là “tiểu gắt” và như thế bác sĩ sẽ nghĩ ngay trong đầu là có tình trạng viêm nhiễm khuẩn!!!
  4. Vì nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ, nên việc điều trị bệnh theo phương thức nhiều bậc và kéo dài (có thể vài tháng hoặc cả năm không chừng!): tập luyện đi tiểu, chế độ ăn, thuốc uống, thủ thuật can thiệp và kễ cả phẫu thuật. Vì vậy, bệnh nhân lại không kiên nhẫn điều trị, mà bác sĩ lại không tư vấn kỹ vấn đề này (hoặc có thể không biết?). Vì có một số “nhầm lẫn” đáng tiếc này, khiến cho bệnh lý trở nên khó khăn để chẩn đoán và điều trị, trong khi bệnh nhân thì “khổ sở” và mất niềm tin chạy chữa đủ nơi (thường mang theo một chồng dày các xét nghiệm và toa thuốc!). Đúng là “tiền mất tật mang”!
Ảnh minh họa từ nguồn internet

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN