Có nên dùng xét nghiệm psa để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt?

Nói đến bệnh ung thư, chắc chẳng mấy ai trong chúng ta lại không lo sợ! Ai cũng mong muốn cuộc đời mình hãy đừng “vướng” đến ung thư! Nếu chẳng may mắc phải bệnh lý quái ác này, thì ai ai cũng ước rằng đó chỉ là bệnh ở giai đoạn sớm, được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn…Vì thế, việc tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư thường được xem là trọng trách của nền y tế của một đất nước.

Thế nhưng có phải tất cả các bệnh ung thư đều cần được phát hiện sớm? Đặc biệt đó là các bệnh lý có diễn tiến chậm, với tiên lượng tốt. Ung thư tuyến tiền liệt (K TTL) cũng là bệnh lý trong mối băn khoăn đó! Từ năm này qua năm khác, từ Hội Niệu khoa Âu châu (EAU) đến Hoa Kỳ (AUA), cũng như châu Á (AAU), vấn đề tầm soát K TTL luôn được đem ra “đong, đo, đếm” (vì e sợ chẩn đoán hoặc điều trị quá tay – overdiagnosis/overtreatment?).

Vừa qua trong Hội nghị Niệu – Thận học TP. Hồ Chí Minh 2017, mình vinh dự được chọn trực tiếp tranh luận (debate) về vấn đề “Có nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bằng xét nghiệm PSA/máu?”. Vì vậy, một số đồng thuận cần được chia sẻ với các đồng nghiệp cũng như với bà con “Khi nào chúng ta cần làm xét nghiệm PSA/máu”?

  • Tuyến tiền liệt là gì? ở đâu?

Tuyến tiền liệt chỉ có ở đàn ông, là cơ quan nằm ngay dưới bàng quang (chứa nước tiểu), nối tiếp xuống niệu đạo (đường tiểu ra ngoài). Như vậy, tuyến tiền liệt đảm nhận cả chức năng tiểu tiện, lẫn chức năng sinh dục (tiết tinh dịch…).

  • Ung thư tuyến tiền liệt có đặc điểm gì?

Là loại ung thư thường gặp nhất của đàn ông ở các nước Âu – Mỹ. Bệnh rất đa dạng về thể loại, ít gây triệu chứng khi ở giai đoạn sớm.
Bệnh diễn tiến chậm, tiên lượng tốt. Bệnh nhân có thể sống tốt trên 10 năm khi mới bắt đầu.

Bệnh có tỉ lệ cao ở các đối tượng: có cha hoặc anh em trai bị K TTL, người gốc Phi hoặc Caribe và người bị béo phì (ăn nhiều thịt, ít rau quả).
Đàn ông châu Á có tỉ lệ mắc K TTL thấp.

  1. 3. PSA là gì? Có vai trò như thế nào? PSA (Prostate-Specific Antigen), là: 

– Kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (chỉ có tuyến tiền liệt tiết ra từ tế bào biểu mô – tế bào lớp bề mặt).

– Không đặc hiệu cho bệnh lý tuyến tiền liệt (viêm, bướu lành, ung thư…).
Vai trò của PSA/máu trong K TTL bao gồm: tầm soát (screening), chẩn đoán (diagnosis) và theo dõi sau điều trị (follow-up).

  1. Hiểu thế nào về “tầm soát”, “chẩn đoán”, “điều trị” và “theo dõi” ung thư tuyến tiền liệt?

– Tầm soát: thông thường là khi một “người” chủ động đến gặp BS muốn được xác định hoặc loại trừ ung thư tuyến tiền liệt (hầu như họ chưa có triệu chứng rối loạn đi tiểu).

– Chẩn đoán: “bệnh nhân” có rối loạn đi tiểu đến khám để được xác định bệnh lý. Xác định có K TTL không để điều trị.

– Theo dõi điều trị: sau điều trị K TTL, dùng xét nghiệm PSA/máu để theo dõi tiến triển bệnh (hết hay tái phát).

  1. Ngược dòng lịch sử về vai trò của PSA?

Vào đầu những năm 1980, PSA/máu là chất chỉ điểm (marker) dùng để theo dõi K TTL, xét nghiệm PSA/máu sớm được đồng thuận và dần được sử dụng để tầm soát K TTL, mà chưa được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khách quan độc lập. 

Những năm về sau, Cơ quan giám sát cục dự phòng quốc gia Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force – USPSTF) nhận thấy xét nghiệm PSA/máu không đủ thông tin dùng để tầm soát K TTL.

Đến năm 2012, USPSTF khuyến cáo cần tranh luận về vai trò PSA/máu trong tầm soát K TTL vì nhận thấy:

– Phần lớn các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy: không giảm tỉ lệ chết do K TTL trong nhóm được tầm soát so với nhóm không được tầm soát.

– Xét nghiệm PSA/máu đại trà đã tạo ra “làn sóng” phát hiện K TTL quá mức. 

– Nhiều K nhỏ, có nguy cơ thấp vẫn được phẫu thuật hoặc xạ trị, đưa đến nhiều biến chứng, cũng như các hậu quả lớn như: rối loạn cương, tiểu không kiểm soát, hẹp cổ bàng quang…

  1. PSA có còn là chất chỉ điểm có giá trị?

Các nghiên cứu mới đây cho thấy PSA/máu là chất chỉ điểm không chính xác, vì: 

– 15% số bệnh nhân K TTL nhưng lại có trị số PSA/máu bình thường. 

– Chỉ 25-30% các trường hợp có trị số PSA/máu cao, có K TTL (qua sinh thiết). Như vậy, có tình trạng (+) giả khá cao.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chất chỉ điểm nào chính xác hơn PSA, nên nó vẫn còn được sử dụng.

  1. Tầm soát bằng PSA/máu có gì bất lợi?

Tầm soát chỉ giảm tỉ lệ tử vong 20% so với nhóm không tầm soát. Như vậy, tầm soát K TTL đại trà sẽ gây tốn kém quá mức cho ngân sách quốc gia, nhưng chỉ đem tới lợi ích nhỏ (trong 1000 người chỉ ngừa được 1 người chết). Hơn nữa, việc giảm này chỉ nhận thấy ở vài năm sau, nhưng nguy cơ hậu quả điều trị lại có tức thì (lo lắng khôn nguôi, tác dụng phụ, tai biến – biến chứng…).

Việc phòng ngừa, xác định K TTL sớm không được ủng hộ: vì quá nhiều hậu quả: tâm lý hoang mang kéo dài, đau đớn, tốn kém, nhiều tai biến – biến chứng và kể cả giảm thời gian sống còn.

  1. Những đồng thuận cuối cùng?

– Ở Mỹ/hiện nay: đã loại trừ tầm soát K TTL bằng xét nghiệm PSA/máu.

– Mâu thuẩn giữa sự chấp nhận của cộng đồng và các chứng cứ y khoa.

– USPSTF đưa ra khuyến cáo mới: BS chỉ thực hiện PSA sau khi tranh luận với BN (BN đồng ý) và đề xuất phương thức thích hợp nhất để tầm soát.

– Ở Việt Nam/hiện nay: không được tầm soát K TTL đại trà bằng xét nghiệm PSA/máu.

– Như vậy, một BN nam đến khám vì rối loạn đi tiểu bất kể lứa tuổi nào trên 50, đều nên được thử PSA/máu giúp xác định chẩn đoán để quyết định điều trị (ở đây mang ý nghĩa “chẩn đoán” chứ không phải “tầm soát”).

Điều quan trọng là phải phân biệt được ý nghĩa khác nhau giữa tầm soát và chẩn đoán trong ung thư tuyến tiền liệt.

 

Hình ảnh minh họa các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

Bài viết liên quan

BỆNH NANG THẬN

TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn I. Nang thận là gì?    Nang thận là khối dịch bất thường tại nhu mô thận, có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên thận. Nang thận thường có…

Áp xe tuyến Skène niệu đạo

TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn    Các tuyến Skène niệu đạo được mô tả đầu tiên bởi Tiến sĩ Alexander Johnston Chalmers Skène vào cuối thế kỷ XIX. Mặc dù, không được nhiều người biết đến…

DỊ VẬT ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

TỰ ĐƯA VẬT LẠ VÀO NIỆU ĐẠO Dị vật đường tiết niệu là gì?    Đây là tình huống cấp cứu “tế nhị” không phải ít gặp. Hầu hết do người bệnh tự đưa vật…

ĐẶT LỊCH HẸN