CHUẨN ĐẦU RA CHO Y KHOA QUỐC GIA TOÀN VIỆT NAM: TẠI SAO KHÔNG?

Hôm nay có người quen gọi điện thoại nhờ tư vấn cho con trai nên chọn ngành nào của Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, khi điểm thi tốt nghiệp phổ thông 2017 của cháu đạt được 27,25 điểm khối B?!
Với số điểm đạt được như vậy, gần như chắc chắn một điều: cháu là một học sinh giỏi, nhưng tiếc thay lại chắc chắn một điều khác: cháu không thể đủ điểm để vào học một trong 3 ngành chính: Y đa khoa (Bác sĩ), Răng hàm mặt (Nha sĩ) và Dược (Dược sĩ) của Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh…
Cuộc đời của một người phụ thuộc phần lớn vào ngành nghề mà họ đã chọn, đặc biệt với những ngành nghề rất khó lòng thay đổi được vì gắn liền với cái “nghiệp” như ngành Y!
Ngành Y là một ngành đặc biệt không có gì phải bàn cải, cho dù ở trong thời điểm nào? ở đất nước nào? cũng như ở trong xã hội nào? ở đó không phải mọi thứ đều được “đong, đo, đếm” hoặc “qui ra thóc” được!
Nếu đã muốn “dấn thân” vào nghiệp Y thì ai ai cũng có hoài bảo về những điều tốt đẹp nhất, đại loại như “cứu nhân độ thế!”, chứ chẳng phải để làm giàu…
Cho đến nay ở Việt Nam vẫn có quá nhiều trường hoặc chí ít là khoa đào tạo ngành Y! nhưng tiếc thay, điểm tuyển đầu vào có thể chênh lệch cách biệt giữa các trường lên đến cả…10 điểm! nhưng cuối cùng đều tốt nghiệp với bằng cấp Bác sĩ, Nha sĩ hay Dược sĩ như nhau cả thôi!
Lại tiếc thay, cho đến bây giờ vẫn chưa có một chuẩn đầu ra cho một tiêu chuẩn Y khoa Quốc gia như các nước tiên tiến (người ta đã áp dụng cả trăm năm trước!), mà ở đó, người ta chẳng quan tâm đến trường này hay trường kia đào tạo thế nào? vì chỉ có một tiêu chí sinh viên được đào tạo tốt (kiến thức và kỹ năng chuyên ngành) sẽ được ra trường và có quyền hành nghề Y Dược. Như thế vô hình chung đã tạo ra một sự “cạnh tranh” khốc liệt nhưng rất lành mạnh giữa các trường Y Dược trong toàn quốc (trường nào có tỉ lệ và số sinh viên tốt nghiệp ra trường nhiều, mặc nhiên sẽ rất uy tín, sẽ được nhiều thí sinh chọn vào học! Điều tất yếu lớn nhất là nền Y khoa của quốc gia cũng sẽ rất chất lượng và đồng đều!).
Đến bây giờ, qui chuẩn quốc gia về đào tạo Y Dược vẫn còn một khái niệm quá xa xôi, mơ hồ lắm! Thế nhưng Đại học Y Dược TP. HCM vẫn tiên phong đã và đang xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng của riêng mình, đó là tiêu chí “chuẩn đầu ra” (hihi đầu vô đã quá “chát” rồi, huống hồ chi chuẩn đầu ra nữa thì…ôi thôi “kẻ yếu làm sao có thể tồn tại được dưới gió bão nhỉ”…) với giá trị cốt lõi vẫn rất rõ ràng: Đào tạo đội ngũ Y tế “chuyên nghiệp, chất lượng, năng động, sáng tạo”…
Trở lại câu chuyện ở trên, bắt buộc phải tư vấn lựa chọn cho tương lai của cháu, buộc mình phải đưa ra lời khuyên hãy bỏ ý định vào những ngành khác của Đại học Y Dược TP.HCM, mà nên chọn một trường Y nào khác vậy!!! haiza…

P/s: thật đau đáu nhưng vẫn “mong ước”:
1. Bộ Y tế và Bộ Giáo Dục-Đào Tạo nên sớm thống nhất để triển khai xây dựng chuẩn đầu ra nghiêm túc cho các trường Y Dược, đồng thời phải có kỳ thi tốt nghiệp chung toàn quốc cho BS Y Khoa, Nha sĩ, Dược sĩ của các trường Y Dược trong cả nước.
2. Trong thời gian chờ đợi kỳ thi tốt nghiệp Y Dược quốc gia, kỳ thi tuyển đầu vào nên giao lại cho trường tự ra đề thi như trước đây (phân loại trình độ thí sinh rất rõ ràng). Chẳng hạn đề thi như năm nay, có lẽ quá dễ, nhưng quá khó để phân loại trình độ thí sinh! Chỉ cần học lực trung bình khá và chăm chỉ (trình bày bài thi tốt) sẽ trúng tuyển (29,25 điểm), như thế đã “bỏ sót” quá nhiều “nhân tài” ở số điểm 27 – 29 đó thôi!…haiza…
3. Ghi nhớ công ơn của những người đã đổ xương máu cho đất nước, ưu tiên cho đối tượng vùng sâu vùng xa là truyền thống nhân văn của người Việt Nam. Thế nhưng, thiết nghĩ rằng nên có chính sách hỗ trợ kinh tế cụ thể hơn là ưu tiên điểm thi tuyển quá nhiều (có thể lên đến 5 điểm) cho các đối tượng và các nhóm, như thế không những đã bỏ sót “nhân tài” mà còn tạo ra một đội ngũ có chất lượng chuyên môn không cao…
4. Muốn thực hiện tốt được điều 1 và 2, tất yếu phải có luật bảo vệ quyền “sở hữu trí tuệ”, như thế các nghiên cứu ở các trường Đại học mới có giá trị, không bị đánh cắp! Từ đó “người làm khoa học mới tránh được …đói” mà toàn tâm toàn ý cho công cuộc “trăm năm trồng người”! Haiza, có phải tui đang mơ?…

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN