Những ai dễ bị viêm bàng quang cấp?

Viêm bàng quang cấp đơn thuần thường xảy ra ở phụ nữ, mà có thể không cần phải có một nguyên nhân cụ thể nào! Các thống kê cho thấy, gần như viêm bàng quang cấp xảy ra ít nhất 1 lần trong đời với nữ giới!

Vì sao phụ nữ dễ bị viêm bàng quang cấp

Hình ảnh mô tả sự khác biệt của niệu đạo – bàng quang ở nam và nữ (Nguồn internet)

    Nữ giới rất dễ bị viêm bàng quang cấp do các đặc điểm cơ thể như sau:

  • Đường niệu đạo ngắn (ống dẫn tiểu ra ngoài), chỉ khoảng 3 – 5cm.
  • Miệng niệu đạo (lỗ tiểu) nằm rất gần âm đạo và hậu môn (đây là nguồn chứa vi khuẩn).
  • Lúc giao hợp, phụ nữ là “người nhận” (tinh dịch…) và rất dễ “vấy nhiễm” vi khuẩn vào niệu đạo.
  • Hormone progesterone (tăng nhiều lúc có thai) sẽ làm giảm nhu động đường tiết niệu. Do đó, làm giảm khả năng tống thoát vi khuẩn ra ngoài.

Những phụ nữ nào dễ bị viêm bàng quang hơn? 

  • Phụ nữ mới quan hệ tình dục hoặc vừa lập gia đình: Do tần suất quan hệ tình dục cao, nên dễ vấy nhiễm vi khuẩn vào niệu đạo. Hơn nữa, một số trường hợp ít nhiều làm “xây xát” tại chỗ, sẽ giảm đề kháng sự xâm nhập của vi khuẩn…
  • Phụ nữ mang thai: Do nhau thai tiết nhiều hormone progesterone, làm giảm nhu động để tống xuất nước tiểu ra ngoài.
  • Phụ nữ tiền mãn kinh: Do sụt giảm hormone estrogen, gây thay đổi các tổ chức ở niêm mạc niệu đạo, nên làm giảm đề kháng với sự bám dính của vi khuẩn ở bề mặt đường tiết niệu.

Phụ nữ bị viêm bàng quang có phải do lây nhiễm từ “đối tác” hay không?

  • Vì những đặc điểm được nêu trên: Bản thân phụ nữ đã rất dễ bị viêm bàng quang.
  • Chỉ “nghi ngờ”: Khi đối tác phối ngẫu (chồng, bạn trai…) có triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục, hoặc bệnh nhân có kèm viêm âm đạo hay viêm bàng quang sau mỗi lần giao hợp…

Viêm bàng quang cấp có những triệu chứng gì?

Bệnh nhân sẽ rất khổ sở với các triệu chứng của viêm bàng quang cấp (Nguồn: Internet)

    Bệnh nhân đột ngột có các triệu chứng nổi bật sau đây:

  • Tiểu gắt buốt (tiểu đau): Tránh nhầm lẫn với tiểu lắt nhắt (“tiểu dắt” – như phương ngữ miền Bắc và “tiểu gắt” – như phương ngữ miền Nam).
  • Tiểu lắt nhắt nhiều lần: Do niêm mạc bàng quang bị kích thích vì viêm cấp tính. Đôi khi vừa kết thúc đi tiểu lại muốn đi tiểu nữa!
  • Cảm giác mót rặn: Tiểu lắt nhắt, đôi lúc chỉ khoảng vài phút lại phải đi tiểu, nên bàng quang chỉ có rất ít nước tiểu, nhưng bệnh nhân phải cố gắng rặn tiểu vì nghĩ do tiểu không được. Cụm từ bệnh nhân khai “tiểu không được”, khiến rất nhiều bác sĩ chuyên khoa ít kinh nghiệm nhầm lẫn với tình trạng bí tiểu và cho chỉ định “đặt thông niệu đạo”. Điều này có thể làm nặng hơn tình trạng viêm bàng quang cấp!
  • Đau hoặc cảm giác “ê ẩm” ở vùng hạ vị: Đó là vị trí bình thường của bàng quang đang bị viêm cấp. Khi ấn chẩn vào sẽ có cảm giác đau tăng hơn.
  • Tiểu ra máu: Hầu hết tiểu máu mức độ nhẹ (nước tiểu màu hồng) và sậm màu hơn lúc gần cuối dòng tiểu. Một số ít trường hợp, tiểu máu đỏ tươi, có thể có cả máu cục…

Các triệu chứng trên đây có thể tự giảm dần và tự hết khi chưa kịp điều trị, nhưng rất dễ tái phát và có thể trở nên mạn tính, rất khó chữa trị về sau…

Mời quí bà con đón đọc chuyên đề tiếp theo: “Các xét nghiệm cần thiết và cách điều trị viêm bàng quang cấp như thế nào?”

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN