Lại chuyện không hay về Y tế!

Hai ngày nay, chắc ai cũng biết qua câu chuyện “người mẹ mất con vì viêm tụy cấp lên facebook tố BV. Chợ Rẫy độc ác”.

Định bụng sẽ không đề cập đến câu chuyện đau lòng và tế nhị này, nhưng có quá nhiều người quen “đề cập” khi trò chuyện trực tiếp hoặc hỏi qua điện thoại, khiến tui cần phải nói rõ hơn, với tư cách của người làm công tác y tế.

Không gì đau đớn bằng khi mất đi người thân, đặc biệt người mẹ bị mất con, nên cũng có thể thông cảm được việc trút đau đớn của mình lên bệnh viện! Tuy nhiên, không ngờ lại đưa đến hậu quả quá lớn cho cả 2 bên! Chúng ta vẫn hy vọng đó chỉ là những xúc cảm nhất thời!

Tuyến tụy nằm sâu trong ổ bụng, có chức năng tiết ra dịch tụy, giúp phân rã, tiêu hóa thức ăn. Điều kỳ diệu của cơ thể là tuyến tụy lại không bị hư hại bởi dịch tụy! Nói nôm na, tuyến tụy như một bình chứa axit nằm trong cơ thể! Thành bình vẫn không bị ăn mòn…

Không may thay, một bữa ăn thịnh soạn làm kích thích tuyến tụy tiết quá nhiều dịch, hoặc bị tắc ống tụy, hoặc bị chấn thương gây dập tuỵ, khiến dịch tụy bị xì rò ra xung quanh, gây tiêu hủy các tổ chức lân cận bên trong ổ bụng, như phá vỡ bình axit đó. Gọi là viêm tụy cấp (trong đó mức độ hoại tử xuất huyết là nặng nhất trong 3 mức độ).

Việc điều trị là làm giảm tối đa tình trạng tiết dịch tụy, bằng cách không cho bệnh nhân ăn bất cứ thứ gì qua đường miệng (nuôi ăn thay thế qua truyền dinh dưỡng vào tĩnh mạch, đầu tiên chỉ có một chai nước muối sinh lý cắm sẵn để giữ mạch và truyền thuốc khi cần thiết).

Lúc còn là sinh viên thực tập, tôi thật ấn tượng và phục lăn cách làm việc của khoa Chăm Sóc Tích cực (ICU) của bệnh viện Chợ Rẫy! Cho tới bây giờ, theo tôi đó vẫn là nơi tập trung những trí tuệ và kinh nghiệm chuyên môn cao nhất với công suất làm việc liên tục suốt ngày đêm, với những trang thiết bị thật hiện đại!

Đối với tình trạng của bệnh nhân H, được xác định là viêm tụy hoại tử xuất huyết, thể nặng nhất, có tỉ lệ tử vong cực cao! Nên việc không qua khỏi là điều có tiên liệu trước…

Như vậy, vấn đề ở chỗ nào?

  1. Nhân viên Y tế ít tư vấn tình trạng bệnh nặng cho người thân bệnh nhân: 

– Nhân viên Y tế chúng ta, đặc biệt ở ICU làm việc quá cực khổ và quá nguy hiểm, cứu thoát vô vàn những trường hợp tưởng chừng đã nằm trọn trong tay tử thần! nên nhiều khi, chúng ta lại ít hoặc thông báo không liên tục tình trạng diễn tiến bệnh cho người thân (thường rất đông, mỗi người một ý kiến!). Điều này, phần lớn do áp lực quá tải của bệnh viện, một phần do thói quen chỉ chú trọng vào việc cứu chữa bệnh nhân mà quên mất người nhà!

– Không biết rõ sự tình cụ thể ra sao, nhưng có lẽ một phần các nhân viên Y tế nghĩ bệnh nhân là người nhà của một bác sĩ lớn trong bệnh viện nên ít chú trọng thông báo với người thân (khi xảy ra chuyện này, anh ấy đã vô cùng khó xử, thật đồng cảm với đàn anh đồng nghiệp!).

  1. Việc thiếu hiểu biết kiến thức y tế cùng với sự mất niềm tin của người thân: 

– “Chỉ truyền một chai nước muối” đó chính là lý do của điều trị viêm tụy cấp tính như đã đề cập ở trên.

– Khoa Chăm Sóc Tích cực của BV Chợ Rẫy là nơi tập trung đa số các bệnh cực nặng của toàn miền Nam, nên việc quá tải, không có giường nằm riêng biệt là điều dễ hiểu!

– Người thân yêu cầu sử dụng kháng sinh mang từ Mỹ về?

o Mỹ chắc tốt hơn Việt Nam rất rất nhiều thứ, nhưng thuốc kháng sinh tại BV. Chợ Rẫy thì chắc chắn có đủ tất cả các kháng sinh hiện đại nhất của thế giới

o Cũng không biết người thân mua kháng sinh từ Mỹ bằng cách gì? Vì ở Mỹ bắt buộc phải có toa của bác sĩ

– Yêu cầu chuyển bệnh nhân sang Mỹ điều trị, trong trường hợp này là không có tính khả thi, vì:

o Bệnh nhân đang lọc máu cấp cứu

o Quá mất thời gian để xin VISA và đi đường (chắc không qua tới nơi)

o Tình trạng bệnh quá nặng, nên cũng khó lòng có BV nào tốt hơn điều trị khỏi.

Qua câu chuyện buồn này, chúng ta hy vọng:

– Người làm công tác Y tế như chúng ta xem đó là bài học kinh nghiệm, cần chú trọng hơn với người thân bệnh nhân!!!

– Người thân bệnh nhân cần có cái nhìn tỉnh táo và khách quan hơn, nên tìm hiểu rõ ngọn nguồn vấn đề, nếu không may có biến cố y khoa xảy ra…

– Các “chủ thớt” như báo chí, mạng xã hội nên cân nhắc kỹ càng trước lúc đưa truyền các thông tin nhạy cảm, chưa rõ ràng!

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN