DƯƠNG VẬT VÙI: có thật hay chỉ là huyền thoại?

Hôm trước tình cờ có gặp một trường hợp bệnh nhân người lớn có “vết tích” của tình trạng “dương vật vùi” (chữa trị một bệnh lý khác – Hình số 3, số 4). Tôi có bàn luận với người anh kết nghĩa, là chuyên gia hàng đầu Nam khoa của Việt Nam, TS.BS. Nguyễn Thành Như về vấn đề này. Câu chuyện thật sôi nổi và thú vị khi chúng tôi đã cùng quan điểm…Qua đây, tôi muốn chia sẻ với bà con về vấn đề này.

  • Dương vật có vai trò gì khiến ta cần phải quan tâm?

Dương vật thường được ví là “cậu nhỏ”, nhưng “cậu ấy” lại chẳng nhỏ chút nào! Đặc biệt khi biết về hình thái và chức năng của cậu ấy khi đang giương cung: phải đủ lớn, đủ dài, đủ cứng và đặc biệt là đủ “dzai”…(hehe bình thường là tốt hơn tất cả!)

  1. Dương vật vùi là gì?

Vùi dương vật hay dương vật bị chôn vùi (Buried penis/Hidden penis) là tình trạng bất thường bẩm sinh hoặc mắc phải, mà dương vật của trẻ nam bị che lấp một phần hay hoàn toàn bên dưới bề mặt của da bìu hoặc da trước xương mu.

  1. Lịch sử về dương vật vùi?

Năm 1919, Keyes là người đầu tiên mô tả tình trạng dương vật vùi. Schloss là người đầu tiên cố gắng thực hiện phẫu thuật này vào năm 1959. Nhưng mãi đến năm 1968, Glanz mới là người đầu tiên phẫu thuật thành công. Kể từ đó có rất nhiều kỹ thuật được thực hiện… 

  • Vì sao có tình trạng này?

Do nguyên nhân bẩm sinh (bất thường trong cố định cân, da dương vật trong bào thai) hoặc do mắc phải (béo phì).

  • Những nhầm lẫn nào thường gặp?
  • Hẹp da qui đầu (phimosis): da qui đầu không kéo tuột lên được, hoặc bị vướng víu do da quá dài.
  • Dị tật dương vật nhỏ (micropenis): rất phức tạp vì liên quan đến rối loạn hormone, rối loạn biệt hóa giới tính (cần phát hiện khi cậu nhỏ giương cung).
  1. Làm thế nào để phát hiện tình trạng dương vật vùi?

– Khi cậu nhỏ hạ cung: thấy được ống da dương vật từ bờ trên xương mu trở lên. Khi da quy đầu được kéo về phía xương mu thì mới xác định được dương vật, nhưng buông ra dương vật sẽ bị kéo tuột vào lại (Hình số 1).

– Khi cậu nhỏ giương cung: nhìn thấy được một phần dương vật nhô lên khỏi xương mu nhưng ngắn. Ống da dương vật dạng hình nón lùng nhùng (Hình số 2).

  1. Phân chia mức độ dương vật vùi?

Cromie W.J, 1998 chia vùi dương vật thành 3 mức độ: 

  • Nhẹ: không nhìn thấy dương vật; sờ được dương vật trong ống da dương vật.
  • Trung bình: sờ không có dương vật trong ống da; kéo ống da dương vật xuống xương mu thấy được một phần thân dương vật.
  • Nặng: ống da dương vật nhỏ, ngắn; dương vật chìm sâu trong lớp mỡ trước xương mu.
  • Gặp phải rắc rối nào? Vùi dương vật có thể gây ra:

– Tiểu bị “ướt lan tỏa”.

– Viêm nhiễm bao qui đầu và đường tiểu. 

– Thân nhân rất lo lắng vì không thấy dương vật hoặc sợ dương vật nhỏ ảnh hưởng đến chức năng “nối dõi tông đường”. 

– Bé trai thường lo lắng mặc cảm vì các bậc cha mẹ quá quan tâm và luôn đem đề tài này “chia sẻ” với bất cứ ai, trong mỗi câu chuyện liên quan đến “hoàng tử bé”.

  1. Cách chữa trị ra sao?
  • Đa số các trường hợp mắc dị tật không cần điều trị. Bệnh thường sẽ tự khỏi sau một thời gian. Ngoài ra, vùi dương vật vẫn có thể được điều trị thành công khi bố mẹ:
  • Dùng thuốc kháng viêm betamethasone bôi cho bé
  • Dùng tay kéo lộn bao qui đầu của bé nhiều lần trong ngày (đặc biệt lúc bé tiểu).
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện để giảm cân cho bé.
  • Một số rất nhỏ cần xét đến phẫu thuật nếu quá lo lắng hoặc quá bất tiện khi vệ sinh. Phẫu thuật thì rất đơn giản chỉ mất 30 – 45 phút.
  • Vậy thì “dương vật vùi” là có thật hay chỉ là huyền thoại?
  • Trong Y khoa nói chung: bất cứ một bệnh lý bẩm sinh nào cũng đều được phát hiện phần “sót lại” khi đã trưởng thành: như tinh hoàn ẩn, dị tật bàn chân khoèo…Như vậy “dương vật vùi” nếu có thì chắc chắn sẽ tồn tại ở người lớn do còn “sót lại”.
  • Tuy nhiên, trong chuyên khoa bệnh Tiết niệu – Nam giới: 

– Tôi chưa từng tìm thấy một quyển sách, một nghiên cứu nào đề cập đến tình trạng dương vật vùi ở người lớn??? (Guideline EAU, AUA, Campbell Waslh…).

– Trong thời gian gần 20 năm thực hành lâm sàng ở một bệnh viện chuyên khoa Tiết niệu – Nam giới lớn hàng đầu Việt Nam cũng như trong khu vực, tôi và các đồng nghiệp cũng chưa từng bắt gặp bệnh nhân người lớn nào đến khám về tình trạng dương vật vùi cả???

  1. Vậy có cần quan tâm về “tình trạng bất thường” này?
  • Qua những vấn đề đã được chia sẻ ở trên, theo tôi: khi bé trai không gặp rắc rối lúc tiểu tiện và vệ sinh, thì các bậc cha mẹ không cần quan tâm tới tình trạng dương vật vùi (vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính mình, đặc biệt là tâm sinh lý của “hoàng tử bé”). Dương vật chỉ có ý nghĩa lúc cương, mà ngoại trừ hẹp da qui đầu, còn lại khi cương thì bất cứ da dương vật như thế nào đều được kéo giãn hiệu quả hết (đây là bệnh lý bất thường của vỏ da, chứ không phải của thân dương vật).
  • Hi vọng rằng các bậc cha mẹ khi nắm được những thông tin cần thiết trên, sẽ phần nào giúp mình an tâm hoặc tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe “tinh thần” cho quý tử nhà mình!

Hình ảnh dương vật vùi của bé trai.

Hình ảnh dương vật vùi lúc hạ cung và lúc giương cung

 

 

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN