Điều trị bệnh hay điều trị bệnh nhân?

Hôm trước, một sinh viên có đặt câu hỏi rất hay và thiết thực: “Hiện nay chưa có bằng chứng có thuốc làm tan sỏi thận, thế sao gần nhà lại có người uống “chuối hột” 1 tháng, siêu âm kiểm tra thấy sỏi thận từ 7mm nhỏ lại còn 4mm? Trên TV cũng có “phỏng vấn” bệnh nhân cụ thể có sỏi thận 5 li uống các thuốc này 3 tháng, kiểm tra siêu âm không còn sỏi nữa?”. 

Tôi rất tâm đắc về câu hỏi này, nên muốn bàn luận để chia sẻ với các bạn.
Đối với sinh viên y khoa, mỗi buổi học lâm sàng (khám và bàn luận trực tiếp trên người bệnh) chính là những minh họa thiết thực nhất cho khối kiến thức lý thuyết hết sức lạ lẫm và mơ hồ… Đặc biệt, do hoàn cảnh kinh tế xã hội khá đặc thù của Việt Nam, việc thực hành lâm sàng còn đem lại vô số kinh nghiệm thực tế mà sinh viên chẳng thể học được từ sách vở nào…

Ở nước ta, sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản…) là bệnh rất thường gặp, chiếm khoảng 60% công việc của bác sĩ Tiết niệu. Bệnh gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân cũng như bác sĩ chuyên khoa.

Vậy những điều thực tế như trên được lý giải thế nào?

  1. Siêu âm xác định kích thước sỏi thận có chính xác không?

Cho đến bây giờ, độ phân giải ảnh trên màn hình siêu âm còn rất kém so với máy ảnh chúng ta chụp thường ngày, hơn nữa sỏi thận không tròn đều như viên bi. Vì vậy, việc xác định 2 điểm nối lại để đo kích thước sỏi là khó khăn, nên siêu âm xác định có sỏi thì rất tốt, nhưng đo kích thước sỏi thì lại không chính xác.

  1. Cỡ mẫu nghiên cứu? Thực nghiệm giả dược?

– Nếu ai đã từng học toán xác suất – thống kê, điều phải biết rõ cỡ mẫu (trong trường hợp này chính là số người dùng các thuốc như “chuối hột”).

– Trong thực hành y dược, có những thực nghiệm chia nhóm để nghiên cứu kiểm chứng một loại thuốc thực sự có tác dụng hay không? một nhóm dùng thuốc, nhóm khác thì dùng “thuốc bổ” rồi so sánh. Thông thường nhóm uống “thuốc bổ” cũng có vài người “bớt bệnh” do tâm lý, nhưng không thể sử dụng để điều trị bệnh được.

Ở đây, sỏi thận có kích thước nhỏ có thể tự ra theo dòng nước tiểu mà chúng ta không cảm nhận được, chứ không phải thuốc làm tan sỏi!
Chương trình trên TV cũng không cho ta biết có bao nhiêu người sử dụng các thuốc này. Chẳng hạn, có 1 ngàn người sử dụng mà chỉ có 5 – 7 người hết sỏi, thì chắc chắn “thuốc” sẽ không được chấp thuận trong y khoa (có nhiều bệnh nhân quá tin nên uống thuốc kéo dài mà không kiểm tra lại, đến lúc sỏi gây biến chứng thì mới biết là quá muộn).

  1. Có nên dùng các thuốc như “chuối hột” để điều trị sỏi thận?

– Các loại “thuốc ” này chỉ qua là thực phẩm chức năng, nên chưa được chứng minh có tác dụng làm tan sỏi.

– Các “thuốc” này được chiết xuất từ cây cỏ (thảo dược), nên rất ít độc hại và không quá tốn kém.

– “Thuốc” có tác dụng lợi tiểu (khi uống với thuốc, người bệnh dễ dàng uống với nhiều nước, trong khi uống nhiều “nước trong” thì rất khó khăn). Điều này sẽ góp phần giúp tống thoát sỏi nhỏ của thận ra ngoài.

Như vậy, nếu kê toa thuốc cho bệnh nhân các “thuốc” này mà không quan tâm đến kích thước sỏi có thể ra ngoài được không hoặc không giải thích thì e rằng bệnh nhân sẽ càng ngộ nhận hơn. Còn nếu “phản đối” quyết liệt (không cho toa thuốc), có thể bác sĩ sẽ bị rơi vào “duy ý chí”, tức là điều trị bệnh mà không điều trị bệnh nhân! (vì bệnh nhân vẫn còn rất lo lắng khi không uống thuốc).

Tóm lại: có thể uống các “thuốc” này, nếu sỏi nhỏ có thể ra ngoài được và quan trọng là cần tái khám theo dõi ít nhất mỗi 3 tháng.

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN