ĐIỀU DƯỠNG: Những tâm hồn cao quí!

Đã hơn 2 tuần rồi, không lên được fb. Hôm nay, cảm thấy “nhớ nhớ”, tranh thủ lướt một vòng mới giật mình vì chợt nhận ra ngày 12/5 là ngày điều dưỡng thế giới! (chỉ thấy BV tư tôn vinh! còn BV công thì thực sự không nghe đến?). Qua đây, cũng xin nhận lỗi với các chị, các em đồng nghiệp vì sự “vô tâm” của mình. Thú thật tui cũng không biết có ngày điều dưỡng thế giới! 
Dù muộn, nhưng cũng trân trọng gửi tới các “thiên thần thầm lặng” lời chúc tốt đẹp nhất, cũng như có đôi lời chia sẻ, đồng cảm, biết ơn đến các chị, các em và cũng mong muốn bà con có cách nhìn khách quan hơn đối với phần “thiên thần áo trắng” này…

  • Công việc của điều dưỡng bệnh viện như thế nào?

Sau khi bác sĩ khám và kê đơn điều trị, điều dưỡng chính là người tiếp xúc với người bệnh. Chăm sóc, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật chuyên môn như trực tiếp hoặc phụ tiêm thuốc, cho uống thuốc, thay băng, giúp người bệnh hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt… Mặt khác, họ cũng là người chăm sóc sức khoẻ tinh thần, giúp người bệnh làm quen với môi trường bệnh viện để an tâm điều trị, đưa đón người bệnh chuyển khoa, chuyển viện hoặc đi khám chuyên khoa…

Điều dưỡng cũng chính là người đầu tiên trực tiếp được người nhà thông báo về diễn tiến bất thường của BN. Đây là thời điểm nhạy cảm, dễ xảy ra “xung đột”!

  • Vì sao dưới mắt của người bệnh và người nhà, nhiều khi điều dưỡng “thật khó ưa”?

Ở Việt Nam, cứ một bác sĩ thì có 1,5 điều dưỡng, trong khi tỷ lệ tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là 1 bác sĩ/4 điều dưỡng. Tỷ lệ này ở Việt Nam cũng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á!!! Thiếu người, trình độ chưa cao, áp lực công việc lớn, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống cũng là yếu tố làm tăng tần suất rủi ro của các điều dưỡng viên, đặc biệt mối quan hệ trực tiếp đối với người bệnh và người nhà (chưa kể đến các trường hợp người nhà …cá biệt). Tui cũng chẳng biết hỏi ai và vì sao???. 

  1. Điều dưỡng trực gác ở BV công lập?

– Trong một lần trực ở BV công lập, ngoài công việc hành chánh hồ sơ, BHYT quá khắc nghiệt! 1 điều dưỡng sẽ phải chăm sóc không dưới 50 BN! (nếu có 1 BN trở nặng thì ôi thôi…đây lại là chuyện gần như tất yếu xảy ra trong lần trực!). 

– Phòng làm việc và phòng nghỉ thì … quá nóng nực và ngột ngạt (hihi mà làm gì có thời gian mà nghỉ!).

– Gặp BS trực “dễ thương”, nhanh nhạy thì nhờ, còn không lắm lúc cũng bị …nhằn vô cớ nữa!

– Đôi lúc gặp người nhà “cá biệt” lại phải cắn răng chịu…nhục thôi!

  1. Trong sâu thẳm, người điều dưỡng như thế nào?

– Xã hội lắm lúc không công bằng! có nhiều người tỏ thái độ ác cảm với “con” điều dưỡng, “con” y tá, thế nhưng ngành điều dưỡng vẫn ngày càng đông!…

– Vì sao hầu hết điều dưỡng là các mẹ, các chị, các em? Trong sâu thẳm của tâm hồn, chắc chắn họ là những người phụ nữ chịu thương chịu khó, có lòng trắc ẩn đặc biệt với người bệnh!

  1. Đôi lời tâm sự với các “thiên thần thầm lặng”.

– Đôi lúc chịu quá nhiều áp lực sẽ khó tránh khỏi bực tức và buồn tủi! Tỏ thái độ cũng là cách giải tỏa stress…

– Tuy nhiên, các đồng nghiệp ạ, sẽ chẳng ai bảo vệ cho mình!!! một ngàn điều tốt không thấu bằng một bức xúc???. Đã chịu nhiều buồn tủi rồi, thì xả xichet ở chỗ khác thôi, không thì mình lại khổ hơn đó (thôi thì tâm sự với bạn trực, với Bs trực nhé!… hihi).

P/s: còn quá nhiều tâm tư muốn chia sẻ với chị em đồng nghiệp và bà con, nhưng đã dài quá rồi! chỉ mong chúng ta hiểu và thông cảm nhau hơn, để đạt được mục đích cuối cùng là điều trị và chăm sóc người bệnh tốt nhất!

* Sau đây là phần dành riêng cho các chị các em quan tâm về ngày 12/5 của mình: “NGƯỜI KHAI SINH ĐIỀU DƯỠNG”

Năm 60, bà Phoebe (Hy Lạp) đã đến từng gia đình có người ốm đau để chăm sóc. Bà được ngưỡng mộ và suy tôn là người nữ điều dưỡng tại gia đầu tiên của thế giới.

Thế kỷ thứ 4, bà Fabiola (La Mã) đã tự nguyện biến căn nhà sang trọng của mình thành bệnh viện, đón những người nghèo khổ đau ốm về để tự bà chăm sóc nuôi dưỡng.

Người khai sinh ra ngành Điều dưỡng chính là bà Florence Nightingale (1820 – 1910) cùng biểu tượng của cây đèn dầu đã làm lay động trái tim mỗi người và gửi thông điệp sâu sắc tới mọi điều dưỡng viên. Sinh ra trong một gia đình người Anh quyền quý, nề nếp, nhưng khi 20 tuổi, Florence đã chọn con đường chăm sóc BN. Tuy nhiên, mỗi khi ngỏ ý với cha mẹ, Florence lại gặp sự phản đối quyết liệt vì nghề chăm sóc BN tại thời điểm đó bị xã hội coi thường, không một gia đình danh giá nào chịu cho con theo nghề này. Cha mẹ Florence rất thất vọng vì cô con gái xinh đẹp và có học của họ lại không chọn cho mình một nghề xứng với truyền thống gia đình mà lại muốn làm nghề điều dưỡng, một nghề được coi là thấp hèn. 

Từ năm 1854 – 1856, chiến tranh xảy ra giữa nước Nga với các nước Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Bị quân đội Nga chống cự kịch liệt, gần 5.000 binh sĩ Anh bị thương, tử trận hoặc chết vì nhiễm trùng trong bệnh viện (BV). Thêm vào đó, dịch tả bùng phát trong quân đội Anh, hàng nghìn lính Anh được đưa vào BV Barack, một BV dã chiến của quân đội Anh ở Scutari. Những người lính Anh lâm vào tình cảnh bị thương không có người chăm sóc, BV dã chiến hỗn độn, vô tổ chức và thiếu thốn mọi thứ. Báo chí từ mặt trận gửi về làm chấn động dư luận nước Anh nên chính quyền Anh đã mời Florence giúp đỡ. Florence đã tuyển 38 phụ nữ tình nguyện cùng cô ra mặt trận. Cô được giao nhiệm vụ toàn quyền chỉ huy các nữ điều dưỡng ở BV dã chiến. Trong đêm tối, Florence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Vì thế, các thương binh đã đặt cho cô danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn”. Florence đã cứu được hàng nghìn mạng sống của thương bệnh binh và được mọi người yêu mến gọi là “Thiên thần trong BV”. 

Sau chiến tranh, khi không còn khả năng làm việc, Florence được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng số tiền 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Florence đã dùng số tiền có được để vận động thành lập trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên trên thế giới tại BV Saint Thomas ở London khi bà bước vào tuổi 40. Sau này, BV Saint Thomas trở thành chiếc nôi để bà Florence nuôi dưỡng, truyền thụ mọi kỹ năng và niềm say mê cho những ai muốn trở thành điều dưỡng.
Để tưởng nhớ công lao của bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà Florence đã dày công xây dựng. Hội đồng điều dưỡng thế giới đã quyết định lấy ngày 12-5 hàng năm là ngày sinh của Florence Nightingale, làm ngày điều dưỡng quốc tế. Bà đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành điều dưỡng thế giới.

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN