DỊ VẬT ĐƯỜNG TIẾT NIỆU: chuyện dở khóc dở cười!

Dị vật đường Tiết Niệu là tình huống cấp cứu “tế nhị”. Hầu hết do người bệnh tự đưa vào niệu đạo và không may bị “rơi tọt” vào bàng quang không tự lấy ra được. Dị vật rất đa dạng, có thể là một đoạn dây cước, một chiếc lá, cây tăm, cây đinh, cây đèn sáp hoặc cây nhíp như trường hợp này…

Tình huống thường xảy ra ở người có “lệch lạc về tình dục” hoặc người bệnh tâm thần ở cả hai phái nam và nữ. Có thể đã được “thực hiện” nhiều lần vì “khoái cảm”, nhưng không may vào một ngày “không đẹp trời” lại xảy ra tình huống dở khóc dở cười này!

Khi buộc phải đến bệnh viện, các đương sự “tỉnh táo” thường khai với bác sĩ bị bạn bỏ dị vật vào ly bia trong tình trạng say xỉn (?), té vấp phải dị vật hoặc dùng dị vật … gãi ngứa vùng kín (!)…

Các biến chứng thông thường nhất là dị vật có thể đâm thủng bàng quang, gây nhiễm khuẩn, gây tắc nghẽn đường tiểu…nếu không được can thiệp kịp thời.

Trường hợp này khá khó khăn vì cây nhíp khá dài (12cm), nằm ngược với hai cành của đầu dưới mở rộng găm vào cổ bàng quang, trong lúc phương tiện phẫu thuật không được đầy đủ như mong muốn. Thủ thuật được thực hiện nội soi kéo dài đến hơn 45 phút với nhiều phương án thử nghiệm nhưng không thành… 

Ở nữ giới, khi dung dịch nội soi đổ đầy vào bàng quang khoảng 500 – 600ml thì dịch tự thoát ra niệu đạo, không thể làm căng bàng quang hơn nữa. Vì vậy không thể xoay ngược đầu cây nhíp lại được (nếu xoay ngược lại được thì rất dễ lấy ra ngoài). Dung tích bàng quang có thể cho phép bơm đầy dung dịch đến khoảng 1000ml. Như vậy, áp dụng công thức tính thể tích hình cầu 4/3πR 3 , dễ dàng nhẫm tính được đường kính bàng quang khoảng 13cm, lớn hơn chiều dài của cây nhíp (12cm) và khi đó có thể xoay đầu được…

BS Nguyễn Đạo Thuấn quyết định vừa nội soi bàng quang (dung dịch vẫn được chảy vào bàng quang liên tục), vừa giữ chặt niệu đạo để dịch không tự thoát ra ngoài, vừa thăm khám vùng hạ vị để đảm bảo dung tích bàng quang đủ lớn và không bị…vỡ do quá căng (dễ dàng biết được lượng dung dịch chảy vào bàng quang – chai dung dịch 1000ml).

Cuối cùng nhờ sự “hiểu biết vật lý phổ thông” của bác sĩ mới có thể lấy cây nhíp ra dễ dàng, tránh mổ mở phức tạp cho người bệnh. Ai bảo bác sĩ Thuấn không cần thiết kiến thức vật lý???

Hình ảnh cây nhíp dài 12cm nằm ngược trong bàng quang

Hình ảnh nội soi bàng quang: trước và sau khi làm xoay cây nhíp lại

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN