BẠO HÀNH NH N VIÊN Y TẾ: một sự suy thoái niềm tin và đạo đức xã hội!

Đến bây giờ tui và các đồng nghiệp vẫn còn hoang mang, khi 3 ngày trước báo chí đưa tin, trong lúc đang làm việc, BS trưởng kíp trực cấp cứu ở BV huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị người nhà đánh chảy máu đầu bất tỉnh. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục chờ thêm những thông tin chính thống về sức khỏe của cháu bé và anh Dương đồng nghiệp, cũng như thông tin các bên liên quan đến sự việc. Mấy ngày nay, chứng kiến nhiều ý kiến trái chiều về sự việc này. Sự thật đó là điều thật quá buồn cho nhân viên y tế và cho cả toàn xã hội chúng ta! Theo suy nghĩ của tui, dù sự việc cụ thể như thế nào thì vẫn không thể biện minh cho hành động côn đồ của người nhà bệnh nhân như thế được. Đây không phải là câu chuyện mới, vì thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc nhân viên y tế bị hành hung: người nhà bệnh nhân đánh điều dưỡng đang mang thai tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); nghiêm trọng nhất là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình…

Vì sự việc quá nhạy cảm và đã đến mức tới hạn về thực trạng niềm tin vào cuộc sống. Trước tiên phải ưu tiên chăm sóc sức khỏe tốt cho anh Dương và cháu bé về cả thể xác lẫn tinh thần, đồng thời các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân diễn biến sự việc để sớm công khai chi tiết trên thông tin đại chúng, nhằm trấn an sớm cho các nhân viên y tế để tiếp tục công việc hàng ngày. 

Qua chuyện này, để giảm thiểu vấn đề tương tự có thể tiếp tục xảy ra, với tư cách của người đã và đang làm công tác ngành y tế, tui mong mọi người quan tâm hơn các vấn đề sau:

  1. Đối với báo chí: Xin hãy thông tin liên tục khi sự việc vẫn còn chưa kết thúc, đặc biệt với các tình huống nhạy cảm như trên. Nếu các bạn chỉ đưa tin ban đầu rồi thôi hoặc thông tin cuối cùng đơn giản sơ sài (vì không còn hót nữa) sẽ gây bấn loạn cho bên bị nạn và vô tình cổ xúy cho bên gây nạn và có thể cho cả xã hội!!! (vì nghĩ rằng: “chắc là họ làm đúng mới không có kết luận gì”, hoặc nguy hiểm hơn là “làm như vậy mà có bị gì đâu nào”…).
  2. Đối với cấp chức năng ngành y tế: Ngoài việc tăng cường tìm ra những giải pháp hạn chế từ căn nguyên, mong quí lãnh đạo ngành phải có tiếng nói kịp thời để giúp anh chị em chúng tôi an tâm công tác, đặc biệt là các đồng nghiệp làm việc tại bộ phận cấp cứu! Chúng tôi đã quá thông cảm và chịu đựng thiệt thòi về những khó khăn vật chất mà xã hội đã ban cho ngành. Bây giờ chúng tôi cần sự khích lệ, cần chút bảo vệ và quan tâm tinh thần của các lãnh đạo ngành để tiếp tục an tâm cống hiến!
  3. Đối với người bệnh, người nhà và xã hội: Chắc các bạn cũng đã thấm hiểu, tui không cần phải nói nhiều về sự thiệt thòi của người dân chúng ta cũng như những khó khăn không lối thoát của nhân viên y tế! Qua việc này, các bạn cần hiểu thêm cho: 

(1) Diễn tiến bệnh luôn bất thường, tất cả chỉ là tiên đoán theo kinh nghiệm nghề nghiệp mà thôi! 

(2) Cơ chế phân tuyến về khám chữa bệnh của từng cấp bệnh viện là bắt buộc, nhằm tránh dồn đống quá tải. Mục đích cuối cùng cũng là quyền lợi của bệnh nhân đó! 

Thực ra, “ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng”! Thế nên chẳng có BS nào lại mong muốn “ôm giữ” bệnh nặng, bệnh nguy hiểm để điều trị, nhưng vì lương tâm, vì qui định của ngành…Vì vậy, khi tình trạng bệnh được đánh giá có diễn tiến tốt, nằm trong khả năng chuyên môn cho phép của BV điều trị, thì không thể ký chuyển được. Trừ trường hợp đặc biệt như bệnh nhi trên sau khi người nhà đánh bất tỉnh BS trực!!! Chuyển tuyến trong tình huống này sẽ gây phản cảm rất lớn và gây hậu quả vô lường về mặt xã hội! (vì cứ làm dzử, cứ đánh nhân viên y tế ắt sẽ được phục vụ tốt hoặc được chuyển tuyến!!!).

  1. Đối với đồng nghiệp ngành y tế: Nhìn chung người bệnh và người nhà có kiến thức về sức khỏe còn kém, họ lại mất niềm tin vào cuộc sống trong đó có cả y tế, nên một số sẽ hành xử theo kiểu côn đồ, mà chẳng có ai bảo vệ chúng ta! Chi bằng ta tự bảo vệ mình vậy! Nếu gặp người bệnh hoặc người nhà cá biệt tốt nhất anh chị em nên chú ý giải thích, nói chuyện từ tốn nhưng nghiêm khắc hơn. Nếu thấy chưa thỏa, nên giải thích trình tiếp cấp cao hơn (Trưởng trực, Ban chủ nhiệm khoa, Trực lãnh đạo, Ban giám đốc BV).

Nếu quan tâm, xin mọi người cho ý kiến của mình về vấn đề này ạ?

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN