“Bác sĩ ơi, vô cho một chai nước biển”: một yêu cầu đầy hiểm nguy!

Từ lâu truyền dịch (nhiều người quen gọi là truyền nước hay “vô nước biển”) đã trở thành thói quen. Hầu hết bà con ta thường có một quan niệm cực kỳ sai lầm là dùng thuốc tiêm tốt hơn thuốc uống. Vì vậy, cứ đến cơ sở y tế là năn nỉ thầy thuốc cho dạng thuốc tiêm, hoặc nằng nặc đòi truyền dịch cho bằng được. Thậm chí có người không bệnh gì, chỉ cảm thấy hơi mệt nhưng muốn khỏe hơn cứ nài nỉ thầy thuốc xin vô “nước biển”, vô “đạm”… Tuy nhiên, đây chính là “lợi bất cập hại”. Xin “mổ xẻ” một số vấn đề về “tiêm truyền” với quí bà con như sau:

  • Khi nào cần truyền dịch?

Dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, có thể chia làm 4 loại như sau:

  • Dịch truyền cung cấp nước, các chất điện giải cho cơ thể: Dùng trong trường hợp cơ thể bị mất nước, mất chất điện giải (tiêu chảy, ói mửa kéo dài…) 
  • Dung dịch cân bằng kiềm toan trong cơ thể: Truyền dịch loại này sẽ có tác dụng trung hòa sự thừa toan hay thừa kiềm, như khi người bệnh bị toan huyết.
  • Dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể: Dùng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh không thể ăn qua đường miệng, đây là loại dịch truyền hay bị lạm dụng (đạm…).
  • Dịch truyền thay thế máu: Dùng trong trường hợp người bệnh bị thiếu máu.

Ngoài 4 loại dịch truyền kể trên, người ta cần dùng dịch truyền có chứa thuốc như kháng sinh để tiêm truyền trong trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng mà kháng sinh dạng uống không có hiệu quả

  • Các nguy cơ khi tiêm truyền: 
  • Gây sốc phản vệ (xảy ra rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao): không nên tiêm truyền tạị nhà, tại phòng mạch (do xử trí chống sốc phản vệ không tốt như tại bệnh viện)…
  • Người bị suy tim, truyền dịch nhanh và nhiều quá tim không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
  • Người bị suy thận, đặc biệt ở thể thiểu niệu hay vô niệu (ít nước tiểu) mà đưa dịch truyền vào nhanh quá, thận sẽ không thải nổi cũng gây ứ nước trong cơ thể, gây phù tim, phổi…
  • Người bị tiêu chảy, ói mửa kéo dài, vận động đổ mồ hôi… (mất nước và cả chất điện giải), nếu truyền dung dịch ngọt sẽ chỉ bù nước mà không bù điện giải, dễ bị ngộ độc nước, gây phù não làm bệnh nhân lên cơn co giật, có thể tử vong.
  • Người khỏe mạnh, tự ý truyền dịch hoa quả để bồi bổ sức khỏe, làm đẹp da có thể sinh ra “lười ăn”, phù tim, phổi, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn. Hơn nữa, không khác gì tự biến mình thành bệnh nhân!

Ngoài ra tiêm truyền còn có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C… Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy mỗi năm có trên 16 triệu trường hợp viêm gan B, hơn 4,5 triệu người viêm gan C, 150.000 trường hợp nhiễm HIV liên quan đến tiêm truyền.

  • Khi cảm cúm thông thường có cần tiêm truyền không?
  • Đối với người bình thường nếu bị cảm cúm thông thường (mệt mỏi 5 – 7 ngày) chỉ cần uống thuốc là đủ.
  • Chỉ khi người bệnh bị bội nhiễm gây viêm phổi nặng, hoặc suy kiệt… thì cần nhập viện để tiêm truyền.
  • “Có thể uống thuốc thì không nên tiêm, có thể tiêm thì không nên truyền”
  • Nếu việc uống thuốc hoàn toàn có thể đạt được mục đích điều trị, thì hãy dùng cách thức này. Bà con cần nắm rõ khẩu hiệu: “Có thể uống thuốc thì không tiêm, có thể tiêm thì không truyền dịch”…
  • Do đó, người bệnh nên nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, không nên yêu cầu bác sĩ truyền dịch, việc truyền dịch có cần thiết hay không còn tùy thuộc vào tình hình của bệnh”.
  • Thực chất, truyền dịch không phải liệu pháp thần kỳ như họ nghĩ. Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được thì việc truyền dịch không tốt hơn mấy so với việc bù nước qua đường uống.
  • Vì sao nên nỗi?
  • Quan niện sai lầm từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức bà con ta. Khi được truyền dịch thì cảm thấy khỏe hơn, đa phần do tâm lý!
  • Đáng tiếc thay, cho đến bây giờ, ở Việt Nam chúng ta, mặc dù Bộ y tế chỉ cho phép phòng mạch tư truyền dịch trong tình trạng nguy cấp như cấp cứu, tụt huyết áp, ngộ độc… nhưng đánh vào tâm lý phổ biến nhưng sai lầm này của bà con, một số phòng mạch tư, bệnh viện và bác sĩ thực sự đã và đang lạm dụng tiêm truyền cho người bệnh.

Wow, chuẩn bị mở phòng mạch mà nói như ri thì làm răng mà có bệnh nhân đến hè?!

Bài viết liên quan

VỠ BÀNG QUANG

CHẤN THƯƠNG VỠ BÀNG QUANG (sơ lược)                              TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn 1. Vỡ bàng quang là gì? Bàng quang hay bọng…

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN THỐNG NHẤT TRONG TIẾT NIỆU HỌC

Tiến sĩ – Bác sĩ: Nguyễn Đạo Thuấn Chú ý: Đây không phải từ điển Abdominal straining Rặn thành bụng (tiểu rặn) Abdominal ultrasound, sonography Siêu âm bụng Acute urinary obstruction Tắc nghẽn  đường tiết…

ĐẶT LỊCH HẸN